Theo thống kê của Viện Vật liệu xây dựng, các công trình xây dựng sử dụng khoảng 17% nguồn nước, 40% nguồn năng lượng, 25% gỗ khai thác, chiếm 50% lượng phát thải, tạo ra 33% lượng khí thải các bon và 40% chất thải rắn xây dựng.
Đã có rất nhiều kêu gọi về nỗ lực trong chống BĐKH, giảm phát thải tại Việt Nam, trong đó công trình xây dựng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nỗ lực này.
PHÁT TRIỂN CÔNG TRÌNH XANH LÀ TẤT YẾU
Lợi ích của công trình xanh (CTX) là rất rõ rệt và đã có các nghiên cứu cụ thể trên thế giới. Theo Hội đồng CTX thế giới, các tòa nhà xanh đạt chứng nhận Green Star ở Australia đã được chứng minh là tạo ra ít khí thải nhà kính hơn 62% và giảm 51% tiêu thụ nước so với mức trung bình của quốc gia này.
Các CTX được chứng nhận bởi Hội đồng CTX Ấn Độ (IGBC) giúp tiết kiệm năng lượng từ 40 – 50% và tiết kiệm nước từ 20 – 30% so với các công trình thông thường ở Ấn Độ. Các CTX đạt chứng nhận Green Star ở Nam Phi đã được chứng minh là tiết kiệm trung bình từ 30 – 40% năng lượng và lượng khí thải carbon mỗi năm và từ 20 – 30% nước uống hàng năm.
Các CTX đạt chứng chỉ LEED ở Mỹ và các quốc gia khác đã được chứng minh là tiêu thụ ít hơn 25% năng lượng và 11% lượng nước so với các công trình không phải là CTX. [1]
Như vậy, phát triển CTX là tất yếu trong ngành Xây dựng ở Việt Nam. Hiện nay, ngành Xây dựng Việt Nam đã bắt đầu có nhiều biện pháp để giảm phải tác động tới môi trường từ đầu vào lẫn đầu ra khi xây dựng một công trình và cả trong quá trình vận hành. Trong đó nhận thức được tầm quan trọng của các vật liệu xanh là một phần vô cùng quan trọng trong một công trình xây dựng, tác động tới lớp vỏ đủ sức ảnh hưởng mạnh mẽ tới các nỗ lực xanh hóa công trình và môi trường.
Các vật liệu xanh – bền vững ngày càng được cải tiến mạnh mẽ, từ đó các loại VLXD cũng ngày càng trở nên đa dạng và có rất nhiều lựa chọn cho chủ đầu tư và người sử dụng. Một ví dụ điển hình có thể dễ nhận thấy là sự thay đổi vật liệu tạo nên lớp vỏ công trình (phần sử dụng nhiều vật liệu nhất) trong ngành Xây dựng tại Việt Nam.
Trước đây, lớp vỏ công trình đơn giản chỉ thường bao gồm những tấm chắn nắng có thể đóng mở thủ công hoặc tự động nhằm cải thiện chất lượng che nắng, chiếu sáng và thông gió cho bên trong công trình, từ những tấm tường rơm rạ, gạch đến tấm bê tông, kính… hoặc được bổ sung bởi các giải pháp thiết kế thụ động sử dụng năng lượng mặt trời.
Ngày nay, lớp vỏ công trình phức tạp hơn, bao gồm nhiều lớp với nhiều chức năng và tích hợp các hệ thống kỹ thuật khác như hệ thống điều khiển tòa nhà nhằm giảm thiểu sử dụng năng lượng và thân thiện hơn với môi trường. Đồng thời sự phong phú trong nhu cầu công năng và tiến bộ kiến trúc và xây dựng, các loại vật liệu cũng theo đó hợp thời và có nhiều sáng tạo hơn. Lớp vỏ với đa dạng các loại vật liệu là cơ sở để phát huy tối đa hiệu năng công trình.
Các loại VLXD nói chung và vật liệu xanh nói riêng hoàn toàn có thể là nhân tố giúp tạo ra thay đổi, xanh hoá và bền vững hóa cho công trình.
Vật liệu xanh đang trở thành xu hướng chung với ngày càng nhiều hơn các vật liệu được nghiên cứu, áp dụng tại các công trình từ thấp tầng đến cao tầng, từ nhà ở cá nhân tới các dự án lớn. Rất nhiều đơn vị sản xuất đã và đang tập trung cho các sản phẩm vật liệu xanh, vật liệu bền vững, tiết kiệm năng lượng.
CÁC TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VẬT LIỆU XANH
Vật liệu xanh được hiểu đơn giản là những VLXD thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế và phân hủy xanh. Tuổi thọ của chúng thường dài và trong quá trình sử dụng không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối môi trường cũng như sức khỏe người sử dụng trong suốt vòng đời.
Vật liệu xanh có các đặc điểm hàm lượng tái chế cao và/hoặc khả năng tái chế cao, được làm từ các nguồn tái tạo nhanh chóng, lượng khí thải rất thấp, ít ảnh hưởng hoặc không ảnh hưởng tới ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, hiểu rộng ra khái niệm vật liệu xanh là vật liệu bền vững. So với vật liệu xanh, định nghĩa về vật liệu bền vững rộng hơn và rõ ràng hơn nhiều. Tính bền vững ở đây không chỉ là quan tâm đến môi trường, mà còn là yếu tố tác động đến các điều kiện kinh tế – xã hội trong nhiều năm tới trong tương lai.
* Vật liệu trong các tiêu chí tại các bộ công cụ CTX phổ biến tại Việt Nam
Các bộ công cụ đánh giá CTX trên thế giới luôn coi vật liệu xanh là một trong những yếu tố bắt buộc khi phát triển các công trình xanh, thân thiện môi trường và người sử dụng. Ở Việt Nam, 3 bộ công cụ phổ biến nhất cũng có các tiêu chí rất rõ ràng để đánh giá vật liệu.
-Bộ công cụ LOTUS – Hội đồng CTX Việt Nam
Trong hướng dẫn kỹ thuật LOTUS NC v3, vật liệu nằm trong hướng dẫn về Vật liệu & Tài nguyên: (bảng 1)
Về cơ bản, LOTUS ưu tiên khuyến khích tiêu chí giảm mức sử dụng bê tông – vật liệu chiếm tỷ trọng lớn trong kết cấu hay lớp vỏ công trình, để tác động trực tiếp vào lượng vật liệu gây hại và hao tốn nhiều năng lượng và tài nguyên. Thêm nữa, hệ đánh giá LOTUS tại Việt Nam có nhóm điểm dành riêng cho vật liệu không nung nhằm khuyến khích các dự án sử dụng các vật liệu thân thiện, đặc biệt là gạch không nung mà Việt Nam đang có nhiều tiềm năng phát triển, hạn chế sử dụng của gạch nung – tác nhân gây hại môi trường phổ biến.
Cũng có thể thấy những nỗ lực từ Chính phủ bắt đầu từ loại vật liệu không nung. Theo Thông tư số 09/2012/TT-BXD, kể từ ngày 15/01/2013, tại các đô thị loại III trở lên, các công trình xây dựng được đầu tư bằng vốn Nhà nước phải sử dụng 100% vật liệu xây không nung. Bộ công cụ LOTUS đã và đang góp phần vào định hướng của chính phủ Việt Nam.
-Bộ công cụ LEED – Hội đồng CTX Mỹ
Tại Bảng chấm điểm các tiêu chí tại LEED v4 for BD+C: New Construction and Major Renovation: Các tiêu chí về vật liệu xanh sẽ đóng góp khoảng 15% tổng số điểm hệ thống đánh giá CTX LEED. Một số hạng mục được nêu như lưu trữ và thu gom rác tái chế, lập kế hoạch quản lý chất thải xây dựng và phá dỡ, duy trì ổn định dòng đời công trình, quản lý chất thải xây dựng và phá dỡ… Những hạng mục này đạt được khi các chuyên gia chấm điểm các chi tiết vật liệu trong quá trình đánh giá công trình.
Như vậy ở công cụ LEED, việc đánh giá dựa trên chấm điểm vật liệu công trình dựa trên tiêu chí hiệu quả vật liệu của chủ đầu tư dự án, không đề cập cụ thể sẵn chi tiết các loại vật liệu và gợi ý vật liệu như ở 2 tiêu chí LOTUS và EDGE. Điều này giúp tăng khả năng linh hoạt trong xây dựng công trình và loại hình công trình đa dạng (bảng 2).
-Bộ công cụ EDGE – Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC
Năng lượng hàm chứa trong vật liệu là một trong 3 tiêu chí chính trong bộ tiêu chuẩn EDGE của Tổ chức tài chính IFC. Phần vật liệu bao gồm các giải pháp hiệu quả cho các yếu tố xây dựng sau: Tấm sàn, cấu tạo mái, tường ngoài, tường trong, sàn, khung cửa sổ, cách nhiệt mái và cách nhiệt tường.
EDGE cung cấp các giá trị năng lượng của mỗi giải pháp được thể hiện mặc định cho các vật liệu dựa trên Tập dữ liệu xây dựng các nền kinh tế mới nổi EDGE. Các bên liên quan có thể dựa trên các gợi ý vật liệu EDGE đưa ra, kiểm định tính sẵn có và khả năng áp dụng thực tại dự án của mình, sau đó đưa lên phần mềm EDGE để tính toán và đưa ra mức hiệu quả sử dụng vật liệu. Phần mềm cho phép điều chỉnh các lựa chọn, thông số để các bên cân nhắc và đạt được mức hiệu quả mong muốn.
Tựu chung lại, vật liệu trong những tiêu chí tại các bộ công cụ CTX phổ biến được đề cập và tính toán khác nhau, nhưng đều nhắm tới mục tiêu giảm năng lượng tiêu thụ: Chiếu sáng/thông gió tự nhiên, giá trị U, SHGC, che nắng; giảm hiệu ứng đảo nhiệt; khuyến khích sử dụng vật liệu có hàm lượng tái chế, vật liệu không nung, vật liệu địa phương; giảm các chất phát thải VOC (các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi) nguy hại tới sức khỏe; tăng tiện nghi thị giác; tăng tiện nghi âm thanh; đánh giá trong cả vòng đời sử dụng công trình [3]
KHÓ KHĂN VÀ CƠ HỘI TRONG VIỆC SỬ DỤNG VẬT LIỆU XANH TẠI VIỆT NAM
Bộ Xây dựng nhận định, mặc dù ngành VLXD những năm qua đã đạt được một số bước tiến nhất định, song sản xuất VLXD của Việt Nam vẫn chưa thực sự bền vững, còn bộc lộ những vấn đề bất cập cần được nghiên cứu khắc phục. Những rào cản trong sử dụng VLX chưa được giải quyết và âm ỉ kéo dài làm hạn chế tiến trình áp dụng cho hàng loạt dự án mới. Thói quen với cái cũ, tâm lý ngại đồng bộ. Sự thờ ơ với mục tiêu chung do không mang lại lợi ích ngay cho cá nhân hoặc tổ chức cụ thể, trong đó có các chủ thể xây dựng. Các chính sách phát triển, chưa có đầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan đến sản phẩm xanh, làm giảm cơ sở để quy chiếu cho các bên liên quan.
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP quy định về quản lý VLXD và dành riêng Chương V quy định về chính sách phát triển VLXD tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường.
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 403/QĐTTg ngày 20/3/2014 phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, trong đó kế hoạch số 57 có đề cập riêng đến vấn đề sản xuất VLXD, trang thiết bị, công nghệ ứng dụng sản xuất VLXD thân thiện với môi trường.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Quy chuẩn 09:2017 “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả” kèm theo Thông tư số 15/2017/TT-BXD ngày 28/12/2017.
Việt Nam đang có nhiều cơ hội và cánh cửa thay đổi mới hơn nữa, Chiến lược phát triển VLXD Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 [5] với 7 giải pháp thực hiện: Hoàn thiện thể chế, chính sách; Khai thác tài nguyên khoáng sản hiệu quả, tiết kiệm; Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm VLXD trong nước và xuất khẩu; Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Nâng cao năng lực chế tạo thiết bị; Bảo vệ môi trường trong sản xuất. Như vậy, có nhiều thời cơ và động lực cho nhiều bên tham gia thị trường VLXD, đặc biệt là các nhà sản xuất và chủ đầu tư xây dựng trong thập kỷ tới.
Chuyên gia: Trịnh Tùng Bách – Lê Thùy Dung
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1] Hội đồng CTX Thế giới – WGBC, online, https://worldgbc.org/benefitsgreen-buildings.
[2] LEED v4 for Building Design and Construction.
[3] VGBC Webinar: Vai trò của lớp vỏ công trình trong Công trình xanh.
[4] VGBC Online: Materials in Green Building. [5] Quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020.