Tài chính cho bất động sản xanh cần có hướng đi chuyên nghiệp

Trong bối cảnh các nguồn vốn cho bất động sản ngày càng thắt chặt, các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án bất động sản cần tìm các hướng đi khác biệt, chuyên nghiệp, tạo nên các sản phẩm thực sự có tính cạnh tranh và tiếp cận được các nguồn tài chính mới.

Bối cảnh thị trường

Cùng với sự cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” (net zero) vào năm 2050.

Kinh tế xanh nói chung và btấ động sản (BĐS) xanh nói riêng liệu sẽ có những dịch chuyển rõ ràng trong thời gian tới?

BĐS xanh nói riêng cần có những dịch chuyển rõ ràng

I. Định nghĩa

Tài chính xanh: có rất nhiều định nghĩa về tài chính xanh, trong đó định nghĩa của Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển Kinh tế (OECD) là được sử dụng rộng rãi nhất: Tài chính xanh là tài chính cho “Đạt được tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm thiểu ô nhiễm và phát thải khí nhà kính, giảm thiểu chất thải và nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên”.

Tài chính xanh cho BĐS: tài chính xanh gắn với BĐS xanh là các dự án BĐS chứng minh được sự giảm thiểu ô nhiễm và phát thải nhà kính, giảm thiểu chất thải và có mức độ sử dụng tài nguyên hiệu quả.

II. Tăng trưởng tín dụng xanh – Trái phiếu xanh trên thế giới và Việt Nam


Sự tăng trưởng của tín dụng xanh từ 2013-2021 (Nguồn: ADB)

 


Dư nợ tín dụng xanh và số lượng tổ chức tín dụng (TCTD) phát sinh dư nợ tín dụng xanh (nguồn: NHNN, 2022)

 

Tín dụng đối với các lĩnh vực xanh có 35 sự tăng trưởng đều cả về dư nợ và số lượng các TCTD tham gia. Giai đoạn 2017-2021, dư nợ cấp tín dụng xanh tăng trưởng bình quân đạt hơn 25%/năm.

Đến 30/06/2022, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng (chiếm 4,1% tổng dư nợ toàn nền kinh tế), tăng 7,08% so với năm 2021. 


Dư nợ tín dụng xanh của 4 lĩnh vực

Dư nợ tín dụng xanh tập trung vào 02 lĩnh vực chủ yếu là năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh, với tổng đóng góp của 2 lĩnh vực này hơn 70% tổng dư nợ tín dụng xanh.

Đến năm 2021, những cơ chế, chính sách về năng lượng tái tạo của Việt Nam đã thúc đẩy sự phát triển thị trường năng lượng tái tạo, dư nợ tín dụng xanh cho lĩnh vực này có sự đột phá với đóng góp hơn 47% trong tổng dư nợ và trở thành lĩnh vực có tỷ trọng cao nhất.

Tuy có sự tăng trưởng rõ rệt, nhưng tín dụng xanh cho ngành Xây dựng gần như chưa đáng kể, dù ngành này đóng góp vào sự phát thải nhà kính lên tới 35%. 

Một số nguồn tín dụng xanh tại Việt Nam 

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã cung cấp khoản cho vay dài hạn trị giá 100 triệu USD cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB).

Mục đích của khoản tín dụng này là hỗ trợ mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là thúc đẩy tài trợ cho các dự án thân thiện với môi trường tại Việt Nam, tạo ra những lựa chọn mới cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng xanh thông qua việc nâng cao hiệu quả nền tảng ngân hàng công nghệ số và phát triển các sản phẩm theo nhu cầu của phân khúc này.

Ngân hàng HSBC cam kết thu xếp 12 tỷ USD tài trợ phát triển bền vững tại Việt Nam, đã huy động được 1,3 tỷ USD đến tháng 6/2022.

Ngân hàng Standard Chartered khẳng định sẽ đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ Việt Nam huy động vốn, thu hút nguồn tài chính xanh, thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với triển khai các cam kết COP 26.

Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds – GCPF) đang triển khai với rất nhiều ngân hàng trong nước nhằm cung cấp nguồn vốn ưu đãi tài trợ cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, bao gồm cả các dự án toà nhà tiết kiệm năng lượng, công trình xanh. 


Ảnh minh họa

III. Rào cản cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh

Dù có nhiều nguồn vốn xanh từ các ngân hàng, quỹ tín dụng và tổ chức quốc tế, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều rào cản để các dự án tiếp cận được các nguồn này. Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI, các rào cản chính cho tín dụng xanh, trái phiếu xanh ở Việt Nam bao gồm: Khung pháp lý về tín dụng xanh, trái phiếu xanh chưa đầy đủ, hoàn thiện, còn manh mún; chưa có sự nhất quán trong quá trình triển khai chiến lược, cụ thể hóa nhiệm vụ của các cơ quan chức năng trên cơ sở phối hợp hiệu quả trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy thị trường tín dụng xanh, trái phiếu xanh; các tổ chức tín dụng, ngân hàng, nhà đầu tư, chính quyền còn lúng túng trong việc nhận diện các dự án đầu tư đáp ứng tiêu chí được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh; nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, trong khi đó nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên có chi phí cao.

IV. Các dự án BĐS xanh

Tại hội thảo “Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh”, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra 6 khuyến nghị cho Việt Nam, trong đó khuyến nghị thứ 4 nêu rõ: “Việt Nam cần sử dụng năng lượng hiệu quả và có một phương án với chi phí phù hợp trong chuyển dịch năng lượng.

Việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và đầu tư nhằm giảm nhu cầu năng lượng một cách chủ động và trên quy mô toàn quốc có thể giúp Việt Nam tránh được việc phải tăng thêm 12 Gigawatts sản lượng điện tới năm 2030”.

Bên cạnh các dự án năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch đang chiếm tới 70% nguồn tín dụng xanh, các dự án BĐS xanh, tiết kiệm tài nguyên cũng sẽ là đối tượng quan trọng được chú ý trong thời gian tới. Như vậy, với các dự án như thế nào được định nghĩa là các dự án BĐS xanh? Chứng minh dự án là xanh theo các tiêu chí nào và có phức tạp hay không là câu hỏi được rất nhiều nhà đầu tư phát triển BĐS quan tâm.


Ảnh minh họa

Trong dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh, các dự án toà nhà xanh, công trình xanh xây mới hoặc cải tạo đã được đề cập rất rõ ràng tại Phụ lục 1: Có giải pháp tiết kiệm năng lượng về lớp vỏ công trình và trang thiết bị trong công trình theo Quy chuẩn quốc gia về các công trình xây dựng năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2017/BXD); Đến năm 2030, có thiết kế hoặc sau khi đi vào hoạt động đạt một trong bốn chứng chỉ sau: LOTUS (Việt Nam), EDGE (IFC-WB), LEED (Mỹ) hoặc Green Mark (Singapore); từ năm 2030, có thiết kế hoặc sau khi đi vào hoạt động đạt một trong bốn chứng chỉ sau: Loại Vàng của LOTUS (Việt Nam), loại Vàng của LEED (Mỹ), EDGE (IFC-WB), hoặc Green Mark (Singapore).

Đây là những quy định hết sức rõ ràng cho các dự án BĐS tuân thủ theo các tiêu chí môi trường để có thể nhận các ưu đãi từ Chính phủ, có thể nhận tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh.

V. Ngân hàng đã sẵn sàng? 

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn – Hiệp hội các Ngân hàng Việt Nam, tín dụng xanh là những khái niệm còn khá mới trên thị trường, bởi vậy số lượng các ngân hàng hay tổ chức tín dụng quan tâm và ban hành quy trình nội bộ về tín dụng xanh, quy trình thẩm định đối với các dự án xanh chưa nhiều.

Đội ngũ nhân viên ngân hàng chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản để thực hiện thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng, trong khi các dự án đầu tư xanh luôn tiềm ẩn rủi ro và khó đánh giá hiệu quả khoản vay cả về mặt xã hội và về mặt tài chính, tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, thực tiễn thực thi và tuân thủ chính sách, quy định về môi trường ở Việt Nam còn nhiều hạn chế là khó khăn cho các tổ chức tín dụng khi dự án có thể bị đình chỉ thực hiện do vi phạm quy định về môi trường.

Thêm nữa, ở Việt Nam đang thiếu cơ chế, chính sách trong việc tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như như cơ chế cho phép Ngân hàng Nhà nước được cho vay lại vốn vay ODA, cơ chế trung gian bảo lãnh của TCTD giữa tổ chức tài chính quốc tế và các tổ chức tín dụng khác. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc dừng triển khai một số dự án về tăng trưởng xanh của ngành ngân hàng.

VI. Chủ đầu tư cần gì?

Hành lang pháp lý đầy đủ: 

Cho đến nay, các chính sách của Chính phủ về tăng trưởng xanh đã được ban hành từ rất sớm, có thể kể đến các văn bản chính như:

– Quyết định 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Chiến lược là: tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế các-bon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững; giảm phát thải và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc và quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội.

– Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020. Kế hoạch hành động bao gồm 04 chủ đề chính: (i) Xây dựng thể chế và Kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương; (ii) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (iii) Thực hiện xanh hóa sản xuất; (iv) Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

– Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là: Duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biến đối khí hậu; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.

– Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

– Luật Bảo vệ môi trường được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động bảo vệ môi trường; xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường.

– Gần đây nhất, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 882/QĐ-TTg về việc phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.

Như vậy có thể thấy ngay từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về tăng trưởng xanh nhằm bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu; đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nói chung và ngành ngân hàng nói riêng xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ và đề ra nhiều nhiều giải pháp quan trọng. 

Tuy nhiên, những văn bản pháp luật nêu trên hiện đang dừng ở mức độ định hướng chứ chưa đủ để thực thi các công cụ tài chính xanh, đặc biệt cho các dự án bất động sản xanh cần vay tín dụng xanh hoặc phát hành trái phiếu xanh. 

Tiêu chí xác định rõ ràng: Với quy định rất rõ ràng trong dự thảo, các toà nhà/công trình, dự án BĐS theo các bộ tiêu chí xanh phổ biến ở Việt Nam (LEED, EDGE, GREEN MARK, LOTUS) đều được chấp nhận. Đây là các bộ tiêu chí công trình xanh được nhiều chủ đầu tư áp dụng (có hơn 200 dự án đã đạt các bộ tiêu chí trên).

Quy trình thủ tục đơn giản và dễ thực hiện 

Hiện nay, các quy trình thủ tục cho các dự án được vay tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh còn chưa rõ ràng, chưa được quy định trong các văn bản pháp luật cụ thể mà tuỳ thuộc vào bên cho vay và bên vay có những thoả thuận riêng biệt. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành “Quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh” là cơ sở pháp lý quan trọng, tuy nhiên để vận hành được sẽ cần thêm những văn bản dưới luật, hướng dẫn cụ thể quy trình thủ tục để tài chính xanh có thể vận hành và đi vào thực tế ở Việt Nam.

Chuyên gia Trịnh Tùng Bách

Tài liệu tham khảo:

(1) Dự thảo “Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh”;

(2) Ngân hàng Nhà nước, “Phát triển tín dụng xanh và yêu cầu đối với danh mục xanh”, 2022;

(3) Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, “Thực trạng triển khai chính sách tín dụng xanh, ngân hàng xanh thời gian qua và những giải pháp phát triển tín dụng xanh thời gian tới”, 2022;

(4) VCCI, “Đề xuất về việc xác nhận dự án thuộc danh mục phân loại xanh đối với dự án được cấp tín dụng xanh và phát hành trái phiếu xanh“, 2022.

Xem thêm:

Phát triển VLXD xanh tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam: Thực trạng, rào cản và giải pháp

Thách thức và cơ hội phát triển thị trường VLXD xanh ở Việt Nam