Pháp lý nói chung và các luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai nói riêng đang có nhiều thay đổi, qua đó tác động mạnh mẽ đến các hoạt động phát triển, kinh doanh dự án của các đơn vị chủ đầu tư, đồng thời tác động đến tâm lý người mua nhà.
Sáng 3/11, Realcom – Cộng đồng Phát triển BĐS Bền vững tổ chức buổi hội thảo trực tuyến chủ đề “Các điểm mới trong chính sách pháp lý về bất động sản và giải pháp” với hơn 200 đại diện doanh nghiệp tham dự. Sự kiện mang đến những thông tin giá trị và góc nhìn cập nhật về các yếu tố pháp lý bất động sản.
Pháp lý quyết định quá trình kinh doanh
Mở đầu sự kiện, ông Phạm Quang Tú – Ban pháp lý dự án Hưng Thịnh Land, đồng thời là Thành viên Ban Sáng lập Realcom cho rằng luật định nói chung và các luật trong các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai nói riêng đang có nhiều thay đổi, qua đó tác động mạnh mẽ đến các hoạt động phát triển, kinh doanh dự án của các đơn vị chủ đầu tư, đồng thời tác động đến tâm lý người mua nhà.
“Không làm tốt khâu pháp lý thì dự án sẽ chậm tiến độ, hoạt động nhận bàn giao đất sẽ đình trệ dẫn đến các kế hoạch kinh doanh không hiệu quả”, ông Tú cho biết.
Do đó, ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh hai yếu tố cốt lõi trong lĩnh vực pháp lý mà các đơn vị bất động sản cần nắm rõ
Thứ nhất, bất kỳ dự án nào đều phải hình thành thông qua một hành trình pháp lý, trung bình ít nhất 4 nhóm pháp lý bao gồm: đầu tư, đất đai, xây dựng và nhà ở.
“Nắm vững các bước cơ bản thực hiện bất động sản sẽ giúp chủ đầu tư không bỏ sót quy trình, giảm thiểu các tác nhân gây ra sai phạm về sau”, ông Tú nói.
Thứ hai, quan trọng không kém là nắm rõ đầu mối cho từng quy trình pháp lý này. Cơ quan nào đang nắm quyền gì và cần phối hợp ra sao giữa các đơn vị là trách nhiệm và vai trò của những chuyên gia tư vấn pháp lý hoặc các nhân sự thuộc phòng pháp lý thuộc các chủ đầu tư.
Cuộc chơi nhiều thay đổi
Ở phần trình bày thứ hai, ông Trần Đại Nghĩa – Chuyên gia pháp lý dự án – Đồng sáng lập Focus Investment in Vietnam đề cập đến những thay đổi cốt lõi trong hàng loạt các luật định liên quan đến lĩnh vực bất động sản trong giai đoạn 2020-2021
Một số những chính sách mới được ông Đại Nghĩa nhấn mạnh bao gồm: Luật Đầu tư 2020, Luật Quy hoạch 2017, Luật SĐBS Luật Xây dựng 2020, Nghị định 148/2020/NĐ-CP… đã tạo ra một cuộc chơi mới cho lĩnh vực bất động sản.
Đơn cử trong mảng đầu tư, chuyên gia này cho rằng các hoạt động đầu tư kể từ sau 2020 đã có nhiều biến chuyển tích cực. Quy trình được rút ngắn đáng kể, các quyền hạn được phân cấp rõ ràng hơn ở các địa phương, chủ trương đầu tư nhà ở được thống nhất đồng bộ ở các văn bản và các rào cản về phát triển đô thị cũng “nới lỏng”
“Trước đây các dự án hơn 5.000 tỷ đồng là mặc định phải bay ra Hà Nội để xin giấy phép, nhưng giờ đây chính quyền địa phương có quyền tự quyết nhiều hơn. Chỉ có hững người hiểu địa phương đó mới biết được dự án nào cần, dự án nào không. Và kể cả khi có sai phạm diễn ra thì dễ nhận rõ trách nhiệm”, chuyên gia này nói.
Hoặc trong mảng luật định về xây dựng, với Luật SĐBS Luật XD năm 2020 hiệu lực từ 1/1/2021 thì nhiều dự án, công trình đã được “cởi trói” hơn xưa. Với hơn 1/3 số điều luật được đổi mới, thì quy trình giờ đây đã chặt chẽ và ngắn gọn hơn, tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm tốn kém thời gian, sức lực. Đồng thời, các chính sách cải tạo nhà chung cư cũ, xuống cấp cũng đã thông thoáng. Thậm chí luật còn được đánh giá cao khi cho phép điều chỉnh quy hoạch dự án trong cả khi thực hiện.
Tuy có nhiều thay đổi hướng đến sự thuận tiện cho các đơn vị hành pháp, nhưng bất cập cố hữu vẫn tồn tại. Theo ông Nghĩa, đến hiện tại Luật Đầu tư vẫn còn tồn tại các xung đột với Luật đất đai hoặc các bộ Luật khác chưa thể đồng bộ cùng nhau. Các địa phương cũng chưa áp dụng một cách thống nhất.