Là một trong những khu vực nhận được nguồn vốn đầu tư nhiều nhất, Đồng bằng sông Cửu Long đã và đang cho thấy được nhiều triển vọng thay đổi bộ mặt khu vực. Sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group tìm hiểu những thông tin quy hoạch của khu vực này trong tháng 10 vừa qua.
1. Phát triển hệ thống đường bộ cao tốc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 12% diện tích cả nước nhưng hệ thống đường cao tốc còn quá khiêm tốn đặt ra yêu cầu nâng cấp để phát huy các thế mạnh của vùng.
(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo kế hoạch, khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 13 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 35,000 tỷ đồng được triển khai và hoàn thành riêng trong giai đoạn 2021-2025. 12 dự án đường bộ khác với tổng mức hơn 100,000 tỷ đồng cũng đang được chuẩn bị triển khai.
Hiện khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã có 6 dự án đường bộ với tổng vốn đầu tư gần 30,000 tỷ đồng đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết, nếu được bố trí vốn và triển khai đúng kế hoạch thì đến cuối năm 2026, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có 400-500 km đường bộ cao tốc. Ngoài ra, bộ cũng đang nghiên cứu báo cáo Chính phủ, Quốc hội chủ trương xây dựng tuyến đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh với TP Cần Thơ.
2. Đầu tư gần 5,000 tỷ đồng làm đường thông kết nối các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất và Gò Quao – Vĩnh Thuận, đi qua địa bàn hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu.
(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận gồm hai phân đoạn với tổng chiều dài gần 52 km; trong đó, đoạn qua tỉnh Kiên Giang dài hơn 45 km và đoạn qua tỉnh Bạc Liêu dài khoảng 6.6 km.
Tổng mức đầu tư dự án là 3,904 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Trong đó, chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 2,700 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 522 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, các chi phí khác là gần 230 tỷ đồng; chi phí dự phòng khoảng 449 tỷ đồng.
3. Bất động sản miền Tây – nguồn cung nhà liền thổ chất lượng
Thị trường bất động sản khu vực Tây Nam Bộ đang được đánh giá cao vì giá còn mềm và sản phẩm chất lượng.
Giá bất động sản, so với các vùng khác, giá đất ở khu vực Tây Nam Bộ còn tương đối ‘mềm’. Mức giá cao nhất là sản phẩm shophouse và đất nền tùy khu vực. Với mức giá này, dư địa gia tăng lợi nhuận còn vô cùng lớn cho người mua. Trong khi đó, các sản phẩm được đầu tư bài bản không kém gì các thị trường đã phát triển khác.
(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo các chuyên gia, phân khúc được ưa chuộng hiện nay tại khu vực miền Tây là những dòng sản phẩm mới như căn hộ cao cấp ở các vị trí trung tâm (tập trung chủ yếu ở TP Cần Thơ), bên cạnh đó là các nhà phố trong đô thị hiện đại nhiều tiện ích.
4. Thị trường bất động sản Cần Thơ hứa hẹn sôi động vào cuối năm 2022
Sau một thời gian trầm lắng, thị trường bất động sản (BÐS) TP Cần Thơ cuối năm hứa hẹn sôi động với nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.
Thống kê của Hiệp Hội BĐS Cần Thơ, giai đoạn từ năm 2015 – 2021, TP Cần Thơ có 50 dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trong đó 34 dự án nhà ở thương mại; 5 dự án nhà ở xã hội; 6 dự án nhà ở tái định cư, cải tạo, xây dựng lại chung cư quy mô 32 ha; 5 dự án bất động sản (không có nhà ở) với quy mô 92.7 ha, hiện đang được triển khai.
(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Vừa qua, TP Cần Thơ đã chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án khu chung cư và 1 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn quận Cái Răng. Các dự án này cung cấp khoảng 1,700 căn hộ, đóng góp đáng kể nguồn cung nhà ở mới cho thị trường TP Cần Thơ. Giá đất hiện tại của TP Cần Thơ khá ổn định, ít biến động, và vẫn đạt biên độ tăng trưởng từ 10-15%/năm tùy từng phân khúc và vị trí. Phân khúc căn hộ bình quân có giá từ 25 triệu – 40 triệu/m2; nhà phố có giá từ 25 triệu – 65 triệu/m2; đất nền từ 10 triệu – 45 triệu/m2; shophouse từ 26 triệu – 80 triệu/m2.
5. Xây dựng trái phép, 1 Công ty bất động sản ở Phú Quốc bị phạt 26 triệu
Chiều 19-10, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) vừa ký Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng công trình trái phép trên đất trồng cây lâu năm tại MySpa Resort (tọa lạc trên đường Trần Hưng Đạo, thuộc khu phố 7, phường Dương Đông).
(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Theo Quyết định, ông Nguyễn Văn Mạo, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản AVMT bị xử phạt 26 triệu đồng. Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc còn buộc ông này khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm trong 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Liên quan đến công trình này, trước đó, lãnh đạo UBND phường Dương Đông, xác nhận công trình trên được Giám đốc một công ty bất động sản thuê lại từ một người khác và chưa có giấy phép xây dựng. UBND phường đã đề nghị người này dừng mọi hoạt động thi công xây dựng công trình. Đồng thời, giao cho công chức địa chính – xây dựng tiến hành lập biên bản và xử lý theo quy định của pháp luật, nhưng vị giám đốc này vẫn không chấp hành theo quy định.
6. Đồng Tháp: Tăng cường quản lý, ngăn chặn tách thửa, phân lô bán nền không đảm bảo đủ điều kiện theo quy định
UBND tỉnh Đồng Tháp vừa ban hành Công văn số 1138/UBND-KT về việc tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức phân lô, bán nền không đảm bảo điều kiện theo quy định.
(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Thời gian gần đây do lợi nhuận lớn của hoạt động mua bán, kinh doanh nhà, đất, một số đối tượng lợi dụng sự chưa chặt chẽ trong quản lý của chính quyền địa phương để móc nối, thực hiện các “dự án” phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng hoặc hệ thống hạ tầng chưa hoàn chỉnh, tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây thiệt hại cho người mua, tạo giá ảo, gây sốt giá, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản.
Để kịp thời chấn chỉnh và ngăn chặn tình trạng trên, UBND tỉnh Đồng Tháp yêu cầu: UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tiếp tục thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm soát tình hình san lấp đất nông nghiệp, phân lô, bán nền sai quy hoạch theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Tháp tại Công văn số 766/UBND-KT ngày 21/9/2020.
7. An Giang: Thị trường bất động sản trầm lắng
Sở Xây dựng An Giang vừa ban hành Công văn số 3541/SXD-QLN&HTKT về việc công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2022 gửi Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản – Bộ Xây dựng. Theo thông tin của Sở Xây dựng An Giang, thị trường bất động sản trầm lắng, trong quý III/2022 không phát sinh dự án mới nhà ở và giao dịch rất ít.
(Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Sở Xây dựng An Giang thông tin cho biết hiện các giao dịch mua bán bất động sản tiếp tục có dấu hiệu giảm so với các quý báo cáo trước trong năm 2022. Trong quý III/2022 chưa phát sinh mới dự án phát triển nhà ở thương mại; có 03 dự án cho phép chuyển nhượng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng để xây dựng nhà ở tại huyện Chợ Mới (555 lô nền); Chưa phát sinh mới dự án nhà ở thu nhập thấp khu đô thị; Chưa dự án nhà ở công nhân; Chưa phát sinh mới dự án du lịch nghỉ dưỡng…
Lượng giao dịch và giá bán nhà ở, một số loại hình bất động sản khác trong quý III/2022 là 631 nền, tổng diện tích 84,916 m2, tổng giá trị 262.9 tỷ đồng. Số lượng tồn kho bất động sản địa bàn tỉnh An Giang rất ít. Theo số liệu tổng hợp (chưa đầy đủ) từ các đơn vị gửi báo cáo thì hiện nay tồn kho 21 nền đất ở, ước giá trị tồn kho khoảng 18,405 triệu đồng.
Trên đây là Bản tin quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hy vọng rằng những thông tin vừa rồi có thể giúp các nhà đầu tư có thêm nhiều dữ liệu trước khi quyết định đầu tư vào thị trường bất động sản. Ngoài ra, để xem thêm nhiều thông tin hơn về thị trường của từng tỉnh, thành trên cả nước, nhà đầu tư có thể truy cập trang web Cổng thông tin Bất động sản Senvangdata.
Tổng hợp: BTV-Trung Đức
Thông tin liên hệ
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59