Bản tin Công trình xanh Tháng 8/2021

Bản tin Công trình xanh tháng 8 là bản tin được thực hiện bởi Kênh đầu tư Sen Vàng và GBS Vietnam . Và để bắt đầu, hãy cùng Bất động sản Sen Vàng điểm lại những tin chính nổi bật trong tháng 8/2021 vừa qua tại thị trường Công trình xanh.

1. Chương trình đào tạo chuyên biệt cho các đơn vị đánh giá Trái phiếu xanh

Bộ Tài chính vừa khởi động chuỗi chương trình đào tạo dành riêng cho thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác với Viện tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) về phát triển tài chính xanh. Sự kiện đào tạo đầu tiên nhấn mạnh vai trò của các chuyên gia đánh giá độc lập trong Quy trình phát hành Trái phiếu Xanh.

Chương trình đào tạo mang đến cái nhìn tổng quan về động lực thị trường trái phiếu xanh và những điểm khác biệt của thị trường này thông qua hai phần huấn luyện sâu vào ngày và một phần trao đổi tình huống và kinh nghiệm thực tế.

Chương trình đào tạo nhấn mạnh vai trò quan trọng của quy trình đánh giá tính xanh như là một trong những bước quan trọng nhất đối với hoạt động phát hành trái phiếu có nhãn xanh và trái phiếu theo chủ đề khác. Dịch vụ này giúp làm tăng tính minh bạch của quá trình phát hành, nâng cao trách nhiệm giải trình của tổ chức phát hành, và nâng cao lòng tin cho các nhà đầu tư khi tài trợ cho các dự án và tài sản xanh./

2. Tín dụng xanh theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020

Theo Điều 149, Luật Bảo vệ môi trường số 17/2020/QH14 được Quốc hội Khóa 14 thông qua ngày 17/11/2020, có hiệu lực từ 01/01/2022 quy định về Tín dụng xanh có nội dung cụ thể như sau:

Tín dụng xanh là tín dụng được cấp cho dự án đầu tư sau đây:

a) Sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên;

b) Ứng phó với biến đổi khí hậu;

c) Quản lý chất thải;

d) Xử lý ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường;

đ) Phục hồi hệ sinh thái tự nhiên;

e) Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học;

g) Tạo ra lợi ích khác về môi trường.

Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam đối với dự án đầu tư phải phù hợp với quy định về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cho vay.

Khuyến khích các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam tài trợ, cho vay ưu đãi đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều này.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Chính phủ ban hành lộ trình thực hiện và cơ chế khuyến khích cấp tín dụng xanh./.

3. Hội đồng công trình xanh Singapore nâng hạng “Nhãn xanh” cho các sản phẩm xi măng của INSEE Việt Nam

Vào cuối tháng 7/2021, Xi măng INSEE đã được Hội đồng công trình xanh Singapore (SGBC) tái chứng nhận lần thứ 3 cho các sản phẩm: INSEE đa dụng Power-S, INSEE ECO đa dụng và INSEE đa dụng Power Fast; đồng thời nâng hạng “Nhãn xanh” cho các sản phẩm xi măng dân dụng và xi măng công nghiệp của công ty.

Cụ thể, INSEE Việt Nam đã nhận được phê chuẩn nâng hạng “Nhãn xanh” lần thứ ba kể từ lần đầu tiên được nhận chứng nhân vào năm 2017 cho các sản phẩm INSEE đa dụng Power-S, INSEE ECO đa dụng và INSEE đa dụng Power Fast lên hạng 3 trong bảng hệ thống đánh giá của SGBC; và nhóm các sản phẩm xi măng công nghiệp như: INSEE Extra Durable, INSEE Compact Rock, INSEE Stable Soil và INSEE Mass Pour đều tiếp tục giữ vững hạng 4, là số hạng tối đa trong hệ thống đánh giá của SGBC.

4. Nhiều ý tưởng thiết kế thông minh cho thành phố không phát thải carbon

Tại Chương trình Trại hè Thiết kế Quốc tế 2021, những ý tưởng thiết kế độc đáo của sinh viên Việt Nam và quốc tế đã có hướng đến kiến tạo các đô thị bền vững, thân thiện môi trường trong tương lai.

Trại hè thiết kế quốc tế – International Summer Design Camp 2021 vừa diễn ra chủ đề “Smart Design City for Zero Carbon Emission” với mong muốn góp phần thúc đẩy việc giảm khí thải từ các đô thị, đồng thời kết hợp tư duy, góc nhìn của người trẻ trong việc kiến tạo nên các đô thị bền vững, thân thiện môi trường trong tương lai.

Tiến sĩ Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý, Trường Đại học Kinh tế TPHCM: “Đây là chương trình được tổ chức thường niên với Hàn Quốc từ năm 2019 tại Myanmar và Việt Nam, là một sân chơi không chỉ có các bạn sinh viên thiết kế, kiến trúc và quy hoạch mà còn cho các bạn sinh viên từ các ngành khác cùng làm việc với nhau, cùng tự do thể hiện ý tưởng và sáng tạo để đề xuất các giải pháp giải quyết những vấn đề cấp bách tại đô thị mình đang sinh sống. Các sản phẩm sau chương trình được triển lãm và được xem như một kênh để các chuyên gia, chính quyền cân nhắc trong quá trình phát triển đô thị.”

5. Nâng cấp các đối chuẩn của Chứng chỉ EDGE và thách thức cho công trình xanh Việt Nam

Ngày 1/10 tới đây, chứng chỉ Công trình Xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) sẽ chính thức áp dụng phiên bản 3.0, phiên bản này có sự thay đổi so với phiên bản hiện hành và những thay đổi ấy sẽ có ảnh hưởng tới thị trường bất động sản xanh Việt Nam.

Các tiêu chí đánh giá EDGE cho Năng lượng, Nước và Vật liệu không có thay đổi. Thay đổi chính là việc cập nhật lại hệ thống cơ sở dữ liệu toàn cầu (global baseline) cho các mức tiêu thụ Năng lượng Nước và Vật liệu trung bình để đảm bảo việc tiết kiệm 20% phù hợp hơn với thực tế thị trường xây dựng. Đồng thời các thuận toán tính toán, tiêu chuẩn tính toán hệ thống điều hòa không khí theo ASHRAE 90.1-2016 và ISO để tính toán năng lượng chính xác hơn. 

Ngoài ra, các bộ công cụ đánh giá đã phân chia công năng rõ ràng hơn, tách biệt chung cư và nhà ở, công nghiệp và thương mại, nghỉ dưỡng/căn hộ dịch vụ và khách sạn, và có thêm hình thức công trình phức hợp.

Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo các yêu cầu của chứng chỉ EDGE luôn dẫn đầu thị trường, chính xác hơn, và cập nhật đầy đủ các công nghệ mới, tiêu chuẩn thiết kế tại Việt Nam, đồng thời cũng bỏ các công nghệ đã trở thành phổ biến, ví dụ như đèn LED.

6. Dự án 1 triệu cây xanh ở Hà Nội thất thoát 30 tỉ đồng

Mục tiêu trồng 1 triệu cây xanh ở Hà Nội giai đoạn 2016-2020 được cho là một dự án đầy tham vọng để xanh hoá thủ đô. Tuy nhiên, dự án tốt đẹp này đã bị lợi dụng.

Tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2018, Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thời điểm đó – cho biết, trong 3 năm thành phố đã trồng được 1 triệu cây xanh với kinh phí 256 tỉ đồng.

Ngày 31.7, Cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hanh 

cùng 6 đồng phạm trong vụ mua bán, thay thế cây xanh trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2016-2017.

Cụ thể, các đối tượng đã nâng khống giá 17 loại cây, chủ yếu là cây chà là và bàng lá nhỏ gây thiệt hại cho nhà nước khoảng 30 tỉ đồng.