Bản tin Kinh tế – Chính trị – Bất động sản Tây Hồ tháng 10 là bản tin được thực hiện bởi Kênh đầu tư Sen Vàng. Và để bắt đầu, hãy cùng Bất động sản Sen Vàng điểm lại những tin chính nổi bật trong tháng 10/2021 vừa qua tại thị trường Tây Hồ.
https://www.youtube.com/watch?v=5c6HAYilzrM
I. Điểm tin Kinh tế – xã hội Tây Hồ
- Quận Tây Hồ khai mạc Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm 2021
Sáng 2/10, UBND quận Tây Hồ khai mạc “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” năm 2021 với chủ đề “Chuyển đổi số và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người trong bối cảnh đại dịch Covid-19”.
Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Phạm Xuân Tài cho biết: “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” (diễn ra từ ngày 1/10 đến ngày 7/10 hàng năm), sẽ được tổ chức tại tất cả các phường, cơ sở giáo dục và thiết chế giáo dục ngoài nhà trường trên địa bàn quận.
Việc tổ chức Tuần lễ nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào học tập sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, giúp nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số đối với việc học tập suốt đời; tăng cường trách nhiệm và huy động được sự quan tâm, tham gia của các cấp chính quyền, các ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng xã hội trong việc tận dụng nền tảng công nghệ nhằm đa dạng hóa các kênh và công cụ học tập suốt đời, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
- Quận Tây Hồ hỗ trợ người dân, các hộ kinh doanh khôi phục sản xuất
Xác định tâm thế chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, UBND quận Tây Hồ chỉ đạo Trung tâm Y tế quận tiếp tục thực hiện tầm soát y tế, xét nghiệm 2 – 3 ngày/lần tại các điểm có nguy cơ cao, rất cao để kiểm soát, ngăn chặn lây lan dịch bệnh; hoàn thành tiêm vét mũi 1, tiêm trả mũi 2 cho người dân trên địa bàn đảm an toàn, hiệu quả đạt miễn dịch cộng đồng. Tính đến ngày 05/10, quận đã lấy 111.988 mẫu và tổ chức 20 đợt tiêm với tổng số 151.756 liều vắc xin, trong đó 123.643 mũi 1 và 28.113 mũi 2.
Đặc biệt thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND ngày 20/9/2021 của UBND thành phố Hà Nội về điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố trong tình hình mới, quận Tây Hồ đã đẩy mạnh việc tạo điểm quét mã QR và yêu cầu người dân thực hiện nghiêm việc quét mã tại các cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, đơn vị…
Tính đến nay, toàn quận đã đạt trên 90% (có phường đạt 100%) các hộ kinh doanh sử dụng mã QR đồng thời ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch. UBND các phường đang tiếp tục hướng dẫn các hộ kinh doanh tạo và quét mã QR.
- 1.000 “Túi quà an sinh” được trao cho các trường hợp khó khăn tại quận Tây Hồ
Trong đợt một triển khai hoạt động gian hàng “Triệu túi an sinh” ở quận Tây Hồ, Ban Tổ chức trao tặng 1.000 túi quà với tổng trị giá 300 triệu đồng cho người lao động, người dân có hoàn cảnh khó khăn, thanh niên là công nhân tại các công trình xây dựng, xưởng máy, công ty trên địa bàn quận. Mỗi túi an sinh gồm các nhu yếu phẩm gồm: gạo, dầu ăn, trứng, mỳ…
Trước đó, trong thời gian thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, từ ngày 23/7 đến ngày 21/9 Đoàn Thanh niên – Hội Liên Hiệp Thanh niên (LHTN) quận đã phối hợp triển khai và trao tặng 1.000 suất quà “Siêu thị 0 đồng” trị giá 400 triệu đồng; phát miễn phí 5.600 “Bữa cơm nghĩa tình” trị giá 140 triệu đồng; trao 68 suất quà “Chương trình Hà Nội nghĩa tình – suất quà trao em” trị giá 34 triệu đồng tới các bạn thanh thiếu niên, nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn mồ côi cha mẹ, mất nguồn nuôi dưỡng; trao 150 suất trị giá 45 triệu đồng cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng từ dịch…
- Phụ nữ Tây Hồ ra quân vệ sinh môi trường phòng bệnh sốt xuất huyết
Buổi ra quân đã thu hút sự tham gia của hơn 700 cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quận. Hội phụ nữ 8/8 phường đã đồng loạt tham gia các hoạt động dọn dẹp nhà cửa, quét dọn vệ sinh khu dân cư, thu gom, xử lý rác thải, phát quang bụi rậm, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy.
Bên cạnh việc ra quân tổng vệ sinh, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) quận và cơ sở đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền về phòng chống dịch sốt xuất huyết, phát trên 5.000 tờ rơi tới gia đình cán bộ, hội viên trên địa bàn. Kết hợp với hoạt động duy trì và nâng cao chất lượng công trình “biến chân rác thành vườn hoa”, các “góc xanh”, đoạn đường hoa treo, đường hoa kiểu mẫu, bóc dỡ biển quảng cáo rao vặt tại các trục đường chính, các tuyến phố, đoạn đường tự quản xanh – sạch – đẹp, nhà truyền thống cách mạng, tượng đài liệt sỹ phường, bổ sung cây xanh tại 16 đoạn đường “đoạn đường, tuyến phố nở hoa”.
- Nhiều tuyến đường khu vực hồ Tây sẽ được mở rộng lên 3, 4 làn xe
Theo đó, quy mô nghiên cứu lập điều chỉnh cục bộ quy hoạch khoảng 77,46 ha, thuộc địa giới hành chính các phường Quảng An, Tứ Liên (quận Tây Hồ).
Ranh giới phía bắc giáp hồ Tây và khu dân cư; phía tây giáp hồ Tây; phía nam giáp hồ Tây và khu biệt thự hồ Tây, khu dân cư; phía đông giáp đường Âu Cơ.
Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị Khu vực hồ Tây và phụ cận nhằm hình thành khu vực không gian văn hóa, tâm linh kết hợp trục không gian cảnh quan công cộng, quảng trường, khu vực thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, điều chỉnh quy hoạch lần này sẽ xác định cụ thể vị trí xây dựng nhà hát quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô theo chủ trương của Thành ủy Hà Nội và làm cơ sở để nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết Khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500.
II. Điểm tin quy hoạch – BĐS
- Nhân lúc người người chống COVID-19, ồ ạt chiếm đất công, phân lô bán, chỉ cần cọc 10 triệu
Ghi nhận tại nhiều quận của Hà Nội như Tây Hồ, Nam Từ Liêm, huyện Chương Mỹ… cho thấy đang có nhiều khu đất nông nghiệp gặp tình trạng xây dựng trái phép, đất công bị lấn chiếm.
Trước tình hình lấn chiếm có diễn biến phức tạp tại thời điểm phòng, chống dịch COVID-19, nhiều phường, xã đã ra thông báo, dùng cả thép gai, rào chắn vây đất công, đất nông nghiệp.
Sau khi nhận được phản ánh, UBND huyện Chương Mỹ đã giao phòng Tài nguyên và môi trường, đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị, UBND xã Phụng Châu xác minh. Tuy nhiên, nhiều tuần trôi qua, vẫn chưa nhận được phản hồi.
Phản ánh về tình trạng lấn chiếm đất công, phân lô bãi bồi ở sông Hồng, với UBND phường Tứ Liên, UBND phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), UBND phường Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm) cũng chưa nhận được câu trả lời cho đến chiều 5-10.
- Trúng thầu 2 dự án hơn 2.000 tỷ đồng, HBC bất ngờ vượt kế hoạch năm 2021
Tại dự án Heritage West Lake (quận Tây Hồ) do CTCP CapitaLand – Hiền Đức làm chủ đầu tư, HBC đảm nhận vai trò là tổng thầu gói thầu xây dựng 3 tòa tháp cao 25 tầng và 4 tầng hầm.
Tổng giá trị hợp đồng gần 1.800 tỷ đồng, thời gian thi công là 889 ngày. Sở hữu vị trí đắc địa ven Hồ Tây, Heritage West Lake được đánh giá là dự án bất động sản hạng sang với số lượng căn hộ cao cấp giới hạn.
Dự án thứ 2 mà HBC trúng thầu là dự án xây dựng nhà ở thấp tầng lô đất TT3 thuộc ô quy hoạch C14 tại phường Phúc Đồng (quận Long Biên). Tại dự án này, CTCP Đầu tư bất động sản Song Lộc giao HBC làm nhà thầu chính cho gói thầu thi công móng thân, hoàn thiện mặt ngoài, cổng tường rào và M&E, với tổng giá trị hợp đồng hơn 200 tỷ đồng.
Như vậy, với 2 dự án mới trúng thầu có tổng giá trị hơn 2.000 tỷ đổng, lũy kế giá trị trúng thầu từ đầu năm 2021 của HBC là 16.054 tỷ đồng, vượt 14,6% kế hoạch 14.000 tỷ đồng của cả năm.
- Hà Nội: Dự án Chợ Xuân La “ôm đất” hơn một thập kỷ
Dự án “Trung tâm thương mại, chợ, siêu thị và văn phòng cho thuê Xuân La” tại phường Xuân La, quận Tây Hồ được UBND quận Tây Hồ phê duyệt kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư tại Quyết định số 1412/QĐ-UBND ngày 04/7/2008, đơn vị trúng thầu là Công ty CP Xây dựng Sông Hồng.
Đến nay, sau hàng chục năm, dự án vẫn “treo” chưa thực hiện, hiện trạng khu đất được rào tôn. Theo báo cáo mới đây của Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là do hiện công ty CP Sông Hồng chưa nộp nghĩa vụ tài chính khi trúng đấu giá là hơn 33 tỉ đồng và nghĩa vụ tài chính bổ sung là 20,6 tỉ đồng.
Tại một báo cáo mới đây, UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện Công ty CP Sông Hồng mới nộp 2 tỷ đồng tiền hoàn trả Ngân sách và 11 tỷ đồng hỗ trợ ngân sách địa phương. Sự chậm trễ trong việc triển khai dự án khiến người dân tại khu vực rất bức xúc và liên tục có ý kiến phản ánh.
- Những khu đất sắp thu hồi để mở đường ở quận Tây Hồ, Hà Nội (phần 4)
– Khu đất giáp ao sen gần Khách sạn Công đoàn Quảng Bá
Theo bản đồ kế hoạch sử dụng đất TP Hà Nội năm 2020, nhiều khu đất đã được đưa vào kế hoạch sử dụng để triển khai các tuyến đường giao thông trên địa bàn quận Tây Hồ. Trong đó, đáng chú ý có khu đất giáp ao sen gần Khách sạn Công đoàn Quảng Bá với diện tích khoảng 3.701,250 m2, dài khoảng 370 m.
-Khu đất mở rộng đường Tô Ngọc Vân từ ngõ 52 đến ngõ 67
Khu đất sắp thu hồi mở đường ở quận Tây Hồ đáng chú ý có khu đất mở rộng đường Tô Ngọc Vân từ ngõ 52 đến ngõ 67 với diện tích khoảng 3.111,024 m2, dài khoảng 205 m.
-Khu đất trùng với ngõ 9 Đặng Thai Mai
Khu đất sắp thu hồi mở đường ở quận Tây Hồ đáng chú ý có khu đất trùng với ngõ 9 Đặng Thai Mai với diện tích khoảng 1.376,318 m2, dài khoảng 56 m.
- Đình trệ dự án mở rộng đoạn kè ven hồ trên phố Quảng An
Dự án mở rộng kè ven hồ trên phố Quảng An (quận Tây Hồ) dài gần 1.000m được triển khai từ cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành và cũng không thấy được tiếp tục thi công.
Hiện trên mặt kè có nhiều nắp hố ga trống không nắp đậy, một số khác thì lắp tạm bợ, đất đá, bê tông vụn vung vãi ra mặt kè, rơi xuống lòng hồ vừa mất vệ sinh, mỹ quan đô thị vừa gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tình trạng thi công dang dở cũng khiến việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt khi tuyến đường này có lưu lượng giao thông khá lớn, nhất là vào ngày rằm, ngày đầu tháng âm lịch do số người đến tham quan, vãng cảnh Phủ Tây Hồ tăng cao.