Bản tin Bất động sản Hà Nội tháng 8/2022

Chào mừng quý vị đã quay trở lại với Chương trình Bản tin Bất động sản Hà Nội. Đây là chương trình cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường bất động sản được phát sóng định kỳ hàng tháng trên Kênh đầu tư Sen Vàng. Sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật về thị trường Bất động sản Hà Nội trong tháng 8 vừa qua. 

1. Hà Nội: Không để phát sinh các trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 218 triển khai Chỉ thị số 14 ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả chỉ thị, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác quản lý đô thị, quản lý trật tự xây dựng. Cũng như, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, của thành phố trong việc bảo đảm trật tự, văn minh, mỹ quan đô thị: Thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp phương tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, dừng đỗ sai quy định;… 

Đặc biệt kiên quyết không để phát sinh các trường hợp nhà đất siêu mỏng, siêu méo tại hai bên tuyến đường, nhất là đối với các tuyến phố mới, các dự án mở đường. Từ đó, kịp thời phát hiện, xem xét, xử lý trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ nhưng buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ. 

2. Hà Nội duyệt quy hoạch 5 phân khu đô thị Sóc Sơn gần 3,500ha.

UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt 5 nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn có tổng diện tích gần 3,500ha, thuộc các xã Phù Linh, Tiên Dược, Mai Đình, Đông Xuân, Quang Tiến, Phù Lỗ và thị trấn Sóc Sơn với tỷ lệ 1/2000.

Việc quy hoạch nhằm phát triển các phân khu thành trung tâm đô thị và dịch vụ thương mại nhà ở, trung tâm phát triển hỗn hợp của đô thị vệ tinh Sóc Sơn, trở thành là khu vực thương mại, dịch vụ và các chức năng công cộng, phụ trợ hỗn hợp gắn với Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, ga Đa Phúc,…Cũng như hàng loạt các chức năng quan trọng khác.

Tại quyết định phê duyệt các nhiệm vụ quy hoạch trên, UBND thành phố Hà Nội giao UBND huyện Sóc Sơn là đơn vị lập quy hoạch, chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định; phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan đơn vị liên quan để xác định các dự án đầu tư trong khu vực nghiên cứu; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi về nội dung các đồ án quy hoạch phân khu.

3. Hà Nội siết tách thửa đất, nhà 30m2 ở ngoại thành hóa hàng hiếm.

UBND TP Hà Nội vừa đề xuất dự thảo quy định về điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại Thủ đô.

Theo đó, thửa đất có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường thuộc 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng; không nhỏ hơn 40m2 đối với khu vực các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy và Tây Hồ.

Có thể khẳng định, nếu đề xuất này được chấp thuận, phân khúc nhà ở 30m2 tại 8 quận trên ở Hà Nội sẽ trở thành hàng hiếm và hút khách thời gian tới.

Tuy nhiên, từ năm 2020, giá nhà đất tại một số khu vực tại Hà Nội đã tăng chóng mặt, từ 20 – 30% khiến những căn nhà 30m2 giá cũng tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới quyết định của người dân không có điều kiện kinh tế trong việc lựa chọn mua hay đầu tư bất động sản của mình. 

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng khuyến nghị: Việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế để chống đầu cơ, thổi giá, ngắn hạn để kiểm soát tình hình. Không nên lạm dụng mệnh lệnh hành chính trong quản lý nhà nước… Tránh hậu quả khôn lường. 

4. Yêu cầu Hà Nội làm rõ trách nhiệm liên quan tới hơn 700 dự án chậm tiến độ.

Tại buổi làm việc với thành phố Hà Nội vào ngày 22-8, nhiều thành viên của Đoàn giám sát của Quốc hội đã đưa ra yêu cầu làm rõ nguyên nhân lãng phí từ hơn 700 dự án chậm tiến độ, hàng trăm công trình, dự án chậm đưa đất vào sử dụng…

Thực tiễn cho thấy, số lượng dự án chậm tiến độ lên tới 707 dự án, trong đó đặc biệt hầu hết các dự án nhóm A, dự án PPP, dự án sử dụng vốn ODA đều chậm tiến độ, phải điều chỉnh quyết định đầu tư nhiều lần. Điển hình như là Dự án tuyến đường sắt thí điểm Thành phố đoạn Nhổn – Ga Hà Nội; tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo. Cũng như hàng loạt dự án đã hoàn thành đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng nhưng chưa khai thác hết công suất, hiệu quả thấp. 

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có hơn 400 dự án treo, các dự án đã được giao đất, thuê đất nhưng chậm. Hơn 700 dự án đã giao đất chậm đưa vào sử dụng. Theo bà Vũ Thị Lưu Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, các dự án này ở vị trí đắc địa có nghĩa là nguồn lực bị thất thoát, lãng phí. 

Các thành viên của Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, các tồn tại, hạn chế nêu trên đều là nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực đầu tư, gây bức xúc cho dư luận. Đề nghị thành phố Hà Nội làm rõ số thất thoát, lãng phí trong quản lý, triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; có các giải pháp chấn chỉnh, xử lý quyết liệt các sai phạm, gắn trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu trong từng cơ quan tổ chức.

5. Hà Nội xác định vị trí cầu Mễ Sở vượt sông Hồng.

UBND TP Hà Nội mới đây đề xuất Bộ Giao thông Vận tải xem xét vị trí xây cầu Mễ Sở trên vành đai 4, cách trạm bơm Hồng Vân, huyện Thường Tín, khoảng 600m về phía hạ lưu. Với điểm đầu dự án sẽ là nút giao giữa quốc lộ 1A và vành đai 4, điểm cuối là nút giao giữa cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với vành đai 4. Độ dài cầu và đường dẫn dài gần 14km.

Sau khi hình thành, cầu Mễ Sở sẽ mở ra hướng đi mới cho phương tiện từ trung tâm Hà Nội đến huyện Văn Giang và ngược lại thay vì đi hướng cầu Thanh Trì như trước đây. Ngoài ra còn tạo nên sự kết nối giữa hai cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và Hà Nội – Hải Phòng, góp phần làm giảm thiểu lượng phương tiện vào nội đô Hà Nội.

Phản hồi về đề xuất của Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải cho biết vị trí cầu Mễ Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành. Bộ đề nghị Hà Nội tiếp tục khảo sát chi tiết, nghiên cứu cụ thể các phương án thiết kế để chuẩn xác vị trí cầu Mễ Sở, bảo đảm kinh tế – kỹ thuật và mỹ thuật.

6. Chuyển đổi ga Hà Nội, Giáp Bát để làm đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi 

Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản trả lời kiến nghị cử tri TP. Hà Nội về việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi trên địa bàn huyện Thanh Trì. 

Theo đó, thực hiện nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 22/3/2022, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã họp để phân định rõ trách nhiệm làm cơ quan chủ quản đầu tư các hạng mục thuộc tổ hợp ga Ngọc Hồi. Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đầu tư các hạng mục với chức năng lập tàu của đường sắt quốc gia và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư các hạng mục khu Depot thuộc dự án đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi. 

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan chuyển đổi cơ sở hạ tầng đường sắt quốc gia như ga Hà Nội, ga Giáp Bát để bàn giao mặt bằng cho thành phố Hà Nội triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị Yên Viên-Ngọc Hồi.

Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Phạm Triều

Xem thêm:

Bản tin Chuyển động BĐS Việt Nam Tháng 8/2022

Bản tin quy hoạch vùng ĐBSCL Tháng 8/2022

Bản tin quy hoạch vùng Tây Nguyên Tháng 8/2022