Xin chào quý vị và các bạn đang theo dõi Chương trình Chuyển động Bất động sản Việt Nam của Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây là chương trình cập nhật những thông tin trên thị trường bất động sản.
1, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu biện pháp chống thất thu thuế trong bất động sản
Sáng 8/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã trả lời câu hỏi về chống thất thu thuế trong lĩnh vực bất động sản, có tình trạng cán bộ nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong Luật thuế cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành quy định khi chuyển nhượng bất động sản phải kê khai theo giá chuyển nhượng hai bên đã thỏa thuận. Trường hợp kê khai thấp hoặc không kê khai trên hợp đồng thì thu theo bảng giá đất đã ban hành.
“Đây là lỗ hổng làm thất thoát tiền thuế của nhà nước. Bộ Tài chính đã có văn bản đôn đốc Tổng cục thuế, Chi cục thuế các địa phương có văn bản chỉ đạo để chống thất thu trong lĩnh vực bất động sản. Bộ Tài chính hướng dẫn theo hướng nếu kê khai giá thấp thì tính theo bảng giá đất do UBND tỉnh ban hành.”
Về các giải pháp chống tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu Tổng Cục thuế chỉ đạo các cơ quan thuế chống tham nhũng, chống nhũng nhiễu, trục lợi trong quá trình kê khai; không được gây phiền hà, sách nhiễu người dân mà chỉ thực hiện công tác tuyên truyền. Tổng cục Thuế cũng chỉ tiến hành hậu kiểm chứ không tiền kiểm.
2, Ông Nguyễn Văn Khôi được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
Ngày 9/6 tại Hà Nội, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Đại hội lần thứ V nhiệm kỳ 2022 – 2027 và thông qua danh sách 15 thành viên thường trực trong khoá mới.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Khôi trúng cử Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khóa V; ông Nguyễn Mạnh Hà trúng cử Phó Chủ tịch Thường trực; ông Đỗ Viết Chiến trúng cử Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký.
Cũng trong dịp này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng quyết định tặng thưởng bằng khen cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã có thành tích xuất sắc.
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng, phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong giai đoạn tới cần xây dựng theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, Chương trình phát triển nhà ở quốc gia, Chương trình hành động và chỉ đạo của Bộ Xây dựng; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chuyên gia trong lĩnh vực luật, kinh tế, tài chính, đầu tư và các cơ quan quản lý đồng hành cùng doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và nền kinh tế số đang phát triển nhanh. Đưa chuyển đổi số vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp bất động sản.
3, Đề xuất mua bán nhà đất phải thanh toán qua ngân hàng
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị quy định việc thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng để làm tăng tính minh bạch của thị trường BĐS, chống thất thu ngân sách nhà nước và góp phần phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây, Bộ Tài chính cũng kiến nghị bổ sung quy định chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát giao dịch, quản lý thuế, giúp minh bạch kiểm soát giao dịch của các ngành, phục vụ quản lý giao dịch tài sản, bất động sản và quản lý thuế nói riêng.
Ngoài bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng, Bộ Tài chính cũng đề xuất rà soát các quy định về chuyển nhượng bất động sản để sửa đổi nhằm thống nhất, đồng bộ.
Bộ Tài chính cho biết sắp tới sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tuyên truyền để người dân hiểu đầy đủ, chính xác về nghĩa vụ và lợi ích nộp thuế, đồng thời ý thức được những rủi ro, trách nhiệm khi kê khai giá không đúng. Tổng cục Thuế cũng sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về giá đã giao dịch và kê khai thuế để làm căn cứ tính thuế.
Đồng thời cơ quan thuế cũng có kế hoạch kiểm tra tính liêm chính của cán bộ thuế, đồng thời kiến nghị thực hiện các biện pháp xử lý hành vi trốn thuế trong hoạt động chuyển nhượng, kinh doanh bất động sản.
4, Vốn FDI Hàn Quốc “rót” vào bất động sản Việt Nam tăng cao
Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy bên cạnh lĩnh vực sản xuất, bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn FDI đáng kể từ Hàn Quốc trong những năm gần đây.
Tỷ trọng vốn FDI của Hàn Quốc đầu tư vào bất động sản tăng gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước đó và con số này vẫn đang trên đà tăng. Vào cuối năm 2021 tiếp tục ghi nhận mức tăng thêm 13% so với năm trước đó.
Đầu năm 2022, thị trường Việt Nam đã chào đón nhiều dự án mới. Nổi bật là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm.”
Bên cạnh đó, Tập đoàn YSL của Hàn Quốc cũng đang triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300ha tại Nam Bình Xuyên, Vĩnh Phúc theo định hướng phát triển xanh và công nghệ cao, sở hữu yêu cầu khắt khe về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến. Trong tương lai, khu công nghiệp Nam Bình Xuyên sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là doanh nghiệp Hàn Quốc, đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Savills Việt Nam nhận định lĩnh vực hậu cần, kho vận là hai trong những bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc; trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh, kho xưởng thông minh.
5, Hai diễn biến “lạ” của thị trường bất động sản Long An
Thị trường BĐS Long An trước đây chưa từng xuất hiện BĐS hạng sang giá hàng chục tỷ đồng mỗi căn nhưng hiện lại đang trở thành xu hướng lựa chọn của giới nhà giàu Long An và vùng phụ cận và đã bắt đầu xuất hiện giao dịch chênh khá tốt trên thị trường thứ cấp.
Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Chợ Tốt cũng chỉ ra diễn biến “lạ” của nhà phố, biệt thự Long An ngay lúc thị trường BĐS biến động. Theo đó, từ thời điểm tháng 2/2022 đến hiện tại, số lượng nhà phố tại Long An được rao bán đã tăng lên gần 50%.
Nhu cầu của thị trường cũng chứng kiến các tín hiệu tích cực khi tổng lượng người quan tâm tìm kiếm tăng đều qua các tháng (trung bình 17% mỗi tháng). Bên cạnh đó, tỷ lệ người liên lạc để thực hiện giao dịch sau khi xem tin cũng tăng trưởng mạnh và đạt mức hơn 20% trong tháng 5/2022.
Ưu thế về giá và vị trí tiếp tục giúp Long An trở thành thị trường có mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản liền thổ tăng mạnh nhất trong khu vực vệ tinh liền kế Tp.HCM thời điểm đầu năm. Mức độ quan tâm tìm mua BĐS Long An tăng 31% dẫn đầu các thị trường, trong khi đó, loại hình biệt thự, nhà liền kề có mức độ quan tâm tìm kiếm tăng đến 54% cao nhất trong các tỉnh vệ tinh phía Nam. Riêng trong tháng 3/2022, lượt tìm kiếm đất nền tại Long An tăng 66%, biệt thự liền kề tăng 35,4%, nhất là loại hình đất nền và biệt thự ven sông.
6, “Cơn khát” nguồn cung văn phòng cho thuê
Sau quãng nghỉ dài bởi đại dịch, thị trường văn phòng cho thuê tại các đô thị lớn đang nóng trở lại với tỷ lệ lấp đầy tăng ở tất cả các phân khúc, thậm chí có khu vực “cháy hàng” khiến nhiều doanh nghiệp lựa chọn thuê văn phòng linh hoạt thay vì truyền thống.
Báo cáo của Knight Frank Việt Nam mới đây cho thấy giá thuê văn phòng tại Việt Nam đang thuộc tốp đầu ở khu vực Đông Nam Á và ngang ngửa Berlin, Đài Bắc… Theo đó, với 1.000 USD mỗi tháng, các doanh nghiệp có thể thuê được 36,2m2 văn phòng hạng A ở Hà Nội và 20,9m2 tại TP.HCM.
Chỉ đứng sau Singapore về mức giá thuê văn phòng ở khu vực ASEAN, tuy nhiên theo các chuyên gia của Knight Frank Việt Nam, Hà Nội và TP.HCM vẫn nằm trong số những thành phố có giá cả phải chăng nhất cho hoạt động kinh doanh trên toàn cầu, mở ra dư địa lớn cho sự phát triển.
7, 98.000 tỷ đồng trái phiếu phải trả nợ trong năm 2022 đang đè trĩu vai doanh nghiệp bất động sản?
Số liệu từ KBSV cho thấy, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành tháng 5 đạt 50.144 tỷ đồng tăng mạnh 200% so với tháng trước.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động tích cực hơn, chủ yếu ở nhóm ngân hàng chiếm 60% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong nước cho thấy các ngân hàng đang nỗ lực tăng vốn nhằm cải thiện hệ số an toàn vốn. Bên cạnh đó, nhóm Bất động sản cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại sau 1 tháng không có đợt phát hành nào, và chiếm 22% tổng giá trị phát hành trái phiếu trong nước.
KBSV đánh giá nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao, tuy nhiên sẽ gặp phải nhiều thách thức về mặt chính sách và pháp lý trong bối cảnh Chính Phủ đang triển khai việc kiểm soát chặt chẽ việc phát hành cũng như giao dịch trái phiếu doanh nghiệp thông qua dự thảo sửa đổi lần 5 Nghị định số 153/2020/NĐCP.
Đặc biệt nhóm Bất động sản sẽ là nhóm chịu nhiều áp lực nhất từ đợt đáo hạn này, khi kênh tín dụng vào lĩnh vực Bất động sản cũng đang chịu sự giám sát chặt chẽ. Dự báo Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ hoạt động ở mức thấp trong vài tháng tới, khi các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều cần thời gian để làm quen và thích ứng dần với sự thay đổi trong chính sách, và pháp lý.