Bản tin Công trình Xanh tháng 05/2022

Xin chào quý vị và các bạn đang theo dõi Chương trình Bản tin Công trình xanh do Bất động sản Sen Vàng thực hiện. Đây là chương trình cập nhật những thông tin về Công trình xanh, Tài chính xanh, Nội thất xanh và Vật liệu xanh trên thị trường bất động sản Việt Nam. 

1. Chuyển đổi xanh – Lợi ích bền vững cho doanh nghiệp ngành Xây dựng

Những năm gần đây, việc phát triển các công trình xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam.

Với các đặc tính thân thiện người sử dụng, góp phần vào giảm thiểu tác động đến môi trường, công trình xanh được coi là một loại đầu tư bền vững giúp tạo ra các lợi ích trong dài hạn cho chính chủ của dự án cũng nhưng những đơn vị khác trong ngành.

Theo Khảo sát của Batdongsan.com.vn tại Báo cáo tâm lý người tiêu dùng bất động sản năm 2022, sau một giai đoạn biến động, người mua nhà có xu hướng ưu tiên các dự án có không gian xanh, nhiều không gian tiện ích…

Nghiên cứu của Green Street Advisors năm 2020 cũng chỉ ra rằng, những tòa nhà xanh đạt được tỷ lệ lấp đầy tốt hơn so với các dự án ít bền vững. Theo đó, các tiêu chuẩn xanh đáp ứng được nhu cầu về không gian sinh hoạt an toàn, lành mạnh và thân thiện của đông đảo người tiêu dùng, đặc biệt là khi các vấn đề môi trường và sức khỏe đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của họ.

Ngoài ra, sự dịch chuyển trong nhu cầu của khách hàng đã thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan như vật liệu xây dựng theo đuổi các sản phẩm bền vững và cho ra đời các giải pháp ngày càng xanh hơn.

Chuyển đổi xanh cũng giúp các doanh nghiệp có thể đạt được hiệu quả chi phí vận hành cao hơn, nổi bật nhất là các chi phí liên quan đến tiêu thụ năng lượng và bảo dưỡng, bảo trì trong toàn vòng đời của công trình.

2. BCI Equinox 2022 – kết nối các chuyên gia ngành kiến trúc, xây dựng

Ngày 20/05/2022 vừa qua, sự kiện BCI Equinox 2022 với chủ đề “Net Zero Carbon & Wellness” do BCI Việt Nam tổ chức đã diễn ra thành công

Equinox là chuỗi sự kiện triển lãm chuyên biệt được tổ chức tại Châu Á, Úc và New Zealand. Với không gian sự kiện sang trọng, đẳng cấp và thân thiện, Equinox là sự kiện lý tưởng kết nối các chủ đầu tư, các kiến trúc sư, các chuyên gia thiết kế cùng các nhà sản xuất và cung ứng vật tư thiết bị, là cơ hội cập nhật những cải tiến về sản phẩm và công nghệ để tiếp tục kiến tạo nên nhiều thiết kế độc đáo cho ngành kiến trúc và xây dựng.

Công nghệ đang dần thay đổi bộ mặt của ngành kiến trúc – xây dựng, mang đến những giải pháp xây dựng hiệu quả, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các công trình nói chung và công trình Xanh nói riêng. Equinox 2022 đã kết hợp 4 diễn đàn công nghệ ngắn được kết hợp đan xen với các phần trình bày của diễn giả khách mời tại phiên chiều và phiên tối với các chủ đề như “Hướng tiếp cận Net Zero” được trình bày bởi AGC Asia Pacific, “Làm thế nào để tạo ra môi trường xây dựng bền vững” được trình bày bởi Kingspan Insulation, “Dẫn đầu xu hướng xây dựng xanh” được trình bày bởi Saint-Gobain, và “Sản phẩm Carbon thấp và Tính bền vững” được trình bày bởi Technal.

3. Hà Nội: Cần lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào các quy hoạch đô thị

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, thời gian qua, TP Hà Nội đã quan tâm thực hiện tốt công tác bảo vệ, cải thiện môi trường hướng tới phát triển đô thị xanh, bền vững.
TP đã thực hiện đầu tư, hoàn thiện hệ thống quan trắc tại các khu vực ô nhiễm, có nguy cơ gây ô nhiễm; công khai kết quả quan trắc trên phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, dự báo, kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Cùng đó, Hà Nội đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động, một xe quan trắc lưu động, một trạm quan trắc nước thải, không khí tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn; 6 trạm quan trắc mặt nước tự động, truyền số liệu thông tin về trung tâm quản lý để theo dõi, xử lý…

Về phát triển các không gian xanh, không gian công cộng ngoài trời phục vụ nhu cầu của cư dân đô thị đã được chú trọng. Theo thống kê, tổng số lượng không gian công cộng đã thực hiện giai đoạn 2015 – 2020 là 382 hạng mục.

4. Bộ Tài nguyên Môi trường và BIDV ký kết bản ghi nhớ thúc đẩy phát triển tài chính xanh

Ngày 26/05/2022 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), ông Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ TNMT, ông Lê Ngọc Lâm – Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), đã đại diện hai cơ quan ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) thúc đẩy phát triển tài chính xanh bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại lễ ký, ông Trần Hồng Hà – Bộ trưởng Bộ TNMT, nhấn mạnh: Hợp tác giữa Bộ TNMT và BIDV trong các lĩnh vực tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu sẽ thúc đẩy việc hình thành và phát triển trái phiếu xanh, tín dụng xanh; phát triển thị trường các-bon; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng các-bon thấp; các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực trong quản lý đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản…

5. Tài trợ chống biến đổi khí hậu: 3 ưu tiên đối với Đông Nam Á

Cần phải hành động để chống biến đổi khí hậu ngay bây giờ, nếu không, thiệt hại có khả năng không thể phục hồi vào năm 2030.

Theo các chuyên gia, thách thức lớn nhất là đáp ứng nhu cầu tài chính ước tính 210 tỷ đô la mỗi năm của Đông Nam Á trong các khoản đầu tư thích ứng và giảm thiểu, chiếm 5,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Vì vậy, chìa khóa là cần nhanh chóng huy động các quỹ tư nhân vì vốn không đủ ở quy mô cần thiết, các chuyên gia khuyến nghị.

Đến năm 2030, nền kinh tế xanh của khu vực sẽ đóng góp 1 nghìn tỷ đô la cơ hội kinh tế và có khả năng đóng góp tăng trưởng 6% –8% trong GDP từ các khu vực tăng trưởng mới, các chuyên gia nhận định và cho rằng 3 lĩnh vực sau cần được hành động nhanh chóng, đó là:

1. Chính sách và các khuôn khổ: Tạo điều kiện cho dòng chảy tài chính

Cần xây dựng một cấu trúc khái niệm về “tài chính xanh”, theo đó các nhà đầu tư có thể đánh giá rủi ro cũng như lợi nhuận của các khoản đầu tư xanh và các tổ chức có thể thiết kế một chương trình nghị sự xanh cho hoạt động kinh doanh của mình.

2. Các nền tảng tài trợ: Tập hợp các nhà đầu tư và xây dựng các quy trình hướng dẫn

Các khuôn khổ này có thể cho phép khởi tạo các quy trình hướng dẫn xanh và các dự án có thể cho vay.

3. Công cụ tài trợ: Vốn đòn bẩy

Trong bối cảnh nguồn lực công hạn chế, trái phiếu xanh là một công cụ quan trọng trong việc khai thác vốn và đã tạo được động lực đáng kể trong toàn khu vực.

Tại ASEAN, thị trường phát hành trái phiếu bền vững đạt mức cao kỷ lục, 12,1 tỷ USD vào năm 2020, tăng 5,2% so với năm 2019, với số lượng các công ty phát hành trái phiếu xanh ngày càng tăng

4. Tín dụng xanh đang chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của nền kinh tế

Tại buổi làm việc với ông Philippe Orliange, Giám đốc Điều hành Toàn cầu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) và các chuyên gia cao cấp của AFD tại Việt Nam mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước luôn định hướng xanh hóa bảng cân đối của các ngân hàng thương mại.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước luôn nỗ lực đưa ra giải pháp tập trung vào việc nâng cao nhận thức và hành động của cơ quan quản lý thông qua các hỗ trợ tư vấn chính sách về nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp lý của Ngân hàng Nhà nước trong lĩnh vực tín dụng xanh, ngân hàng xanh.

Nhờ vậy, về dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng, tính đến ngày 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng xanh ước đạt trên 451.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 5% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung nghiên cứu và xây dựng chiến lược/lộ trình của ngành ngân hàng hướng tới trung hoà phát thải, gồm một số nội dung như: Thanh tra, giám sát; Xây dựng các kịch bản và mô hình đánh giá sức chịu đựng; Chính sách tiền tệ; Tín dụng…