Chào mừng quý vị đã quay trở lại với Chương trình Bản tin Công trình xanh. Đây là chương trình được phát sóng định kỳ hàng tháng.
1. Hà Nội _ Xu hướng xây dựng công trình xanh tác động tích cực đến phát triển đô thị
Để giải quyết những hậu quả của vấn đề gia tăng dân số quá nhanh ở HN, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ Thành phố đã xác định mục tiêu “Đến năm 2025, Thủ đô phát triển nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại; đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “xanh – thông minh – hiện đại” trên cơ sở phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Ông Nguyễn Công Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng) cho biết việc quy hoạch, thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh đem lại nhiều lợi ích cho chủ đầu tư như: Bán, cho thuê nhà ở, văn phòng; Giảm chi phí vận hành (giảm tiêu thụ năng lượng, nước…); Giúp đa dạng hóa các loại sản phẩm, gia tăng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp; Có được môi trường làm việc thân thiện, tiện nghi, đảm bảo điều kiện sức khỏe hơn với người sống.
Xây dựng công trình xanh phù hợp với định hướng chung của cả nước, góp phần làm đô thị phát triển xanh và bền vững hơn, đảm bảo điều kiện tiện nghi, sức khỏe người sử dụng, hạn chế tác động đến cảnh quan thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính là một trong những giải pháp để giúp các đô thị nói chung.
2. Dự án Park Hyatt Phu Quoc Residences của BIM Land được chứng nhận công trình xanh EDGE
Dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp Park Hyatt Phu Quoc Residences vừa được công nhận chứng chỉ EDGE cho công trình xanh. Đây là dự án bất động sản cao cấp thứ hai trong danh mục đầu tư của BIM Land (một thành viên của Tập đoàn BIM Group) được công nhận chứng chỉ EDGE.
Cụ thể, theo đánh giá của hệ thống EDGE, Park Hyatt Phu Quoc Residences đạt hiệu quả tiết kiệm 24% năng lượng, 49% nước và 28% về vật liệu xây dựng. Ngoài ra, dự án được ghi nhận mỗi năm giảm thải 5.086 tấn CO2 ra môi trường.
Tọa lạc giữa mũi Tàu Rũ và Mũi Xép, xã Dương Tơ, thuộc phía Tây Nam huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam. Dự án Park Hyatt Phu Quoc Residences có tổng diện tích đất dự án khoảng 65 ha. Tổng diện tích xây dựng của dự án 7.4 ha và mật độ cây xanh, hồ nước là 32%. Thời gian bàn giao dự án vào năm 2022.
3. Kinh tế tuần hoàn: Xu hướng để xanh hóa doanh nghiệp khởi nghiệp
Mô hình Kinh tế tuần hoàn là cơ hội cho quốc gia tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển giảm phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Như Quỳnh – Chuyên gia phân tích Chương trình Phát triển Liên hiệp Quốc – UNDP Vietnam tại buổi khai giảng Khóa tập huấn về kinh tế tuần hoàn cho Doanh nghiệp khởi nghiệp.
Bà Nguyễn Như Quỳnh nhận định: “Khởi nghiệp tạo tác động (hay còn gọi là Impact startup) đã không còn là khái niệm mới. Đây là mô hình vừa hiện thực hóa ước mơ lập nghiệp của thanh niên, vừa tạo ra những tác động tích cực cho môi trường và xã hội. Trong vòng 5 năm qua, UNDP tại Việt Nam đã liên tục hỗ trợ các doanh nhân trẻ khởi nghiệp tạo tác động xã hội thông qua dự án “Youth Co:Lab”.
Theo bà Như Quỳnh, việc ưu tiên đẩy mạnh các mô hình Kinh tế tuần hoàn cũng một cơ hội cho quốc gia tận dụng sự dịch chuyển của nguồn tài chính toàn cầu cho phát triển giảm phát thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Với những nội dung trên YCL 2022 sẽ là một bước chạy đà chuẩn bị thật tốt cho cộng đồng khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp tạo tác động xã hội nói riêng sẵn sàng tham gia vào quá trình “xanh hóa” nền kính tế, hội nhập xu hướng kinh tế tuần hoàn của quốc tế và quốc gia, góp phần đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030
4. Chương trình Xưởng thiết kế mùa hè xanh 2022 khép lại với 12 giải thưởng ấn tượng.
Chương trình bế mạc và trao giải Xưởng thiết kế mùa hè Xanh 2022 (Green Summer Design Studio 2022) vừa diễn ra tại văn phòng Green Gallery (Q.1 TP.HCM) với sự tham gia của 20 giảng viên, hơn 120 sinh viên và nhiều kiến trúc sư trẻ.
Chương trình năm nay có chủ đề Nhà ở Cohousing hướng đến tiêu chuẩn công trình xanh (Cohousing Toward Green Building Standard) được tổ chức bởi Tạp chí Kiến Trúc – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Đồng Công Trình Xanh Việt Nam (VGBC) và các 7 trường đại học có đào tạo ngành kiến trúc với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng, vật liệu… và trong đó có Phuc Khang Corporation.
Hơn 120 sinh viên tham gia chương trình được chia thành 16 nhóm đã lên ý tưởng và cho ra bản thiết kế sáng tạo độc đáo cho những sản phẩm “xanh” về không gian nhà ở mang tính linh hoạt, hiện đại. Có tổng cộng 5 hạng mục với tổng cộng 12 giải thưởng đã được ban tổ chức trao cho các nhóm.
Hành trình đồng hành cùng chương trình Xưởng thiết kế mùa hè Xanh 2022 là một trong những hoạt động CSR dài hạn của Phúc Khang nhằm góp phần tìm kiếm những ý tưởng mới và sáng tạo hướng đến việc phát triển các công trình xanh bền vững trong tương lai và nuôi dưỡng nhân tài cho ngành kiến trúc nước nhà.
5. Phê duyệt lộ trình xanh hóa ngành giao thông tới năm 2050
Từ năm 2025, tất cả các xe buýt thay thế đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh. Đây là một trong những kế hoạch phê duyệt lộ trình xanh hóa giao thông tầm nhìn 2050.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển hệ thống giao thông vận tải xanh hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
Giai đoạn đến năm 2050, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
6. Thị trường công nghệ xanh toàn cầu dự báo đạt 74.64 tỷ USD vào năm 2030
Theo thống kê của Research and Market, quy mô thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được định giá 13.2 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 74.64 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 21.9% từ 2021 đến 2030. Báo cáo tập trung vào triển vọng tăng trưởng, những hạn chế và xu hướng của công nghệ xanh toàn cầu.
Công nghệ xanh bao gồm các giải pháp thân thiện với môi trường mang lại hiệu quả kinh tế và bền vững xã hội. Hiện nay, chính phủ các quốc gia trên thế giới đang đầu tư cho công nghệ xanh hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường và khắc phục các tác động tiêu cực đến môi trường trong quá khứ.
Trong báo cáo của Research and Market, thị trường công nghệ xanh và bền vững toàn cầu được khảo sát dựa trên yếu tố về nền tảng công nghệ, tính ứng dụng và khu vực.
Đồng thời, báo cáo của Research and Markets khảo sát thị trường gồm châu Âu, châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và LAMELA. Thị trường công nghệ xanh và bền vững phát triển mạnh tại Bắc Mỹ vào 2020 và vẫn sẽ duy trì vị trí dẫn đầu thị trường công nghệ xanh trong thời gian dự báo. Tuy nhiên, châu Á – Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn từ 2021 đến 2030.
7. Xây dựng quỹ tín thác hỗ trợ ASEAN mở rộng tài chính xanh, chống chịu với khí hậu.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Vương quốc Anh (Anh) đã ký kết biên bản ghi nhớ để xây dựng quỹ tín thác trị giá 107 triệu Bảng Anh (khoảng 134 triệu USD) nhằm hỗ trợ những nỗ lực của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong việc mở rộng quy mô tài chính xanh và chuyển sang phát triển phát thải thấp, chống chịu với khí hậu.
Quỹ tín thác Quỹ Xúc tác Tài chính xanh ASEAN (ACGF) – Vương quốc Anh sẽ tận dụng nguồn ngân sách của ADB và Vương quốc Anh để thúc đẩy danh mục các dự án cơ sở hạ tầng phát thải carbon thấp và chống chịu khí hậu, đồng thời xúc tác tài trợ từ các nguồn vốn nhà nước và tư nhân. Quỹ này sẽ là một phần của Diễn đàn Phục hồi Xanh ASEAN, được công bố tại COP26.
Quỹ này sẽ phát huy sức mạnh của các nguồn tài chính cho ACGF, một phương tiện tài trợ xanh khu vực do ADB quản lý, thuộc sở hữu của các quốc gia ASEAN và ADB. Kể từ khi ra mắt vào năm 2019, ACGF đã thu hút được 2 tỷ USD cam kết đồng tài trợ và đã đưa năm dự án vào trong danh mục tài trợ chính thức của mình.
8. EVN Finance phát hành hơn 1,700 tỷ đồng Trái phiếu xanh
Đợt phát hành Trái phiếu xanh trị giá hơn 1,700 tỷ đồng của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVNFinance) vừa qua đã nhận được gói bảo lãnh thanh toán một phần dài hạn từ GuarantCo, Tổ chức phát triển tài chính thuộc Tổ chức PIDG (Private Infrastructure Development Group – PIDG), với giá trị bảo lãnh 50 triệu USD (tương đương tối đa 1,150 tỷ đồng).
Đây là giao dịch phát hành trái phiếu đầu tiên được bảo lãnh một phần tại Việt Nam, đồng thời EVN Finance là tổ chức đầu tiên phát hành Trái phiếu xanh tại thị trường Việt Nam dựa trên Nguyên tắc Trái phiếu xanh do Hiệp hội Thị trường vốn Quốc tế (ICMA) công bố.
Theo lãnh đạo EVN Finance, trong bối cảnh hiện nay, việc giao dịch trái phiếu xanh được bảo lãnh bởi một tổ chức quốc tế uy tín, đảm bảo an toàn đầu tư cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh sẽ mở ra hướng phát triển bền vững cho các dự án xanh tại Việt Nam. Việc EVN Finance phát hành Trái phiếu xanh sẽ mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Đồng thời, đây được kỳ vọng sẽ là một tín hiệu tích cực cho sự phát triển của các dự án năng lượng mặt trời, hướng đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Tổng hợp: Quang Linh