Bản tin Công trình Xanh tháng 06/2022

Xin chào quý vị và các bạn đang theo dõi Chương trình Bản tin Công trình xanh do Bất động sản Sen Vàng thực hiện. Đây là chương trình cập nhật những thông tin về Công trình xanh, Tài chính xanh, Nội thất xanh và Vật liệu xanh trên thị trường bất động sản Việt Nam. 

1, Đến năm 2050: Ít nhất 50% đô thị mới phải đạt tiêu chí công trình xanh

Theo cam kết của Việt Nam tại COP 26, Bộ Xây dựng đặt mục tiêu đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải cacbon thấp.

Bộ Xây dựng vừa phê duyệt “Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050,” trong đó cam kết đến năm 2025, toàn ngành sẽ hoàn thành xây dựng bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, công nhận công trình xanh, công trình phát thải cacbon thấp; khu đô thị xanh, khu đô thị phát thải khí cacbon thấp.

Đến năm 2030, ít nhất 25% khu đô thị mới sẽ áp dụng tiêu chí khu đô thị xanh, phát thải cacbon thấp; ban hành cơ chế khuyến khích phát triển đô thị xanh. Đến năm 2030, dự kiến 25% các vật liệu xây dựng như xi măng, vật liệu ốp lát, kính xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh.

Sang giai đoạn sau năm 2030, Bộ Xây dựng đặt ra mục tiêu 100% các công trình xây dựng mới sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính, áp dụng các giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; 100% đồ án quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch chung đô thị lồng ghép thích ứng biến đổi khí hậu, phát triển đô thị theo hướng xanh, phát thải cacbon thấp.

Tiếp đó, đến năm 2050, ít nhất 50% khu đô thị mới và 10% tổng số đô thị đạt tiêu chí đô thị xanh, phát thải cacbon thấp…

2, Thúc đẩy phát triển công trình theo tiêu chí ”xanh”

UBND thành phố Hà Nội cho biết, các công trình có xu hướng xanh là những dự án ưu tiên thúc đẩy xây dựng nhằm tăng chỉ tiêu cây xanh trên địa bàn thành phố.

Trong giai đoạn 2015-2020, xu hướng xây dựng các công trình, dự án xanh được quan tâm triển khai. Nhiều chủ đầu tư dự án văn phòng, nhà ở (khu đô thị, chung cư cao tầng, biệt thự…), công trình xã hội (trường học, bệnh viện) phát triển theo xu hướng “xanh”.

Trong giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn thành phố có 10 công trình xây dựng nghiệm thu được cấp chứng chỉ công trình xanh; trong đó riêng năm 2019 có 4 công trình.

Tính trên bình diện cả nước, đến nay đã có 127 dự án, công trình được cấp chứng nhận công trình xanh; ngoài ra có 182 dự án đang triển khai theo mô hình công trình xanh.

3, Xưởng thiết kế mùa hè XANH 2022: Nhà ở CoHousing hướng đến tiêu chuẩn Công trình xanh

Từ ngày 09-17/7/2022, Tạp chí Kiến trúc phối hợp với một số Trường đào tạo Kiến trúc tổ chức chương trình Xưởng thiết kế mùa hè XANH 2022 với chủ đề NHÀ Ở COHOUSING HƯỚNG ĐẾN TIÊU CHUẨN CÔNG TRÌNH XANH.

Chương trình nằm trong khuôn khổ Cuộc thi thiết kế Ngôi nhà mơ ước do Tạp chí kiến trúc và CLB KTS trẻ Việt Nam tổ chức, được sự thống nhất của đại diện một số trường Đại học tại Việt Nam. 

Chương trình hứa hẹn sẽ tạo ra một sân chơi mới mang tính trải nghiệm thiết kế cho sinh viên kiến trúc và các KTS trẻ vận dụng kiến thức của mình để đề xuất những ý tưởng mới, sáng tạo cho những không gian ở, thể hiện những đặc điểm, nhu cầu cá nhân nhằm tạo dựng những không gian ở linh hoạt, đáp ứng các yêu cầu về công năng, thẩm mỹ, cá tính, hiện đại và bản sắc. 

4, HSBC Việt Nam cấp khoản tín dụng xanh trị giá 200 tỷ đồng cho DOHACO


Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Vietnam tiếp tục mở rộng chiến lược bền vững của mình trong ngành sản xuất giấy với khoản tín dụng thương mại xanh dành cho Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre (DOHACO).

Khoản tín dụng thương mại ngắn hạn trị giá 200 tỷ đồng đánh dấu sự hợp tác đầu tiên giữa HSBC Việt Nam và DOHACO, một doanh nghiệp đã niêm yết chuyên sản xuất giấy carton và bao bì carton. 

Khoản tín dụng xanh này ghi dấu nỗ lực của HSBC Việt Nam trong việc hỗ trợ đa dạng cho các lĩnh vực khác nhau trong toàn bộ nền kinh tế, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào hoạt động xanh hóa ngành sản xuất và nền kinh tế Việt Nam.

Trước khi đưa ra cam kết mạnh mẽ và đầy tham vọng trong việc hỗ trợ thu xếp lên tới 12 tỷ USD cho các dự án bền vững tại Việt Nam vào năm 2030, kể từ năm 2017, HSBC Việt Nam đã thành công cung cấp một loạt các khoản tài chính bền vững cho các lĩnh vực khác nhau từ năng lượng tái tạo đến các tòa nhà xanh và sản xuất nhựa tái chế, hỗ trợ các đối tác trong nước và quốc tế của HSBC trên hành trình xanh tại Việt Nam.

5, Thị trường trái phiếu xanh, tín dụng xanh của Việt Nam tăng gấp 5 lần, đạt 1,5 tỷ USD

Số liệu mới nhất cho thấy thị trường vốn nợ bền vững của ASEAN đang tăng trưởng mạnh mẽ, lập kỷ lục về khối lượng phát hành trong năm 2021. 

Riêng tại Việt Nam, tổng giá trị GSS đạt 1,5 tỷ USD trong năm 2021, gần gấp năm lần mức 0,3 tỷ USD trong năm 2020 và duy trì tăng trưởng ổn định xuyên suốt ba năm liền. Phần lớn trái phiếu và khoản vay xanh ở Việt Nam trong năm 2021 đến từ ngành vận tải và năng lượng. 

Thị trường trái phiếu của Việt Nam đã tăng trưởng lên trên 70 tỷ USD trong năm 2021. Hơn 80% lượng phát hành là trái phiếu chính phủ, còn các ngân hàng phát triển là nhóm phát hành lớn thứ hai.

Theo báo cáo của Climate Bonds và HSBC, năm 2021, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam đều ghi nhận giá trị phát hành nợ GSS tăng lên so với năm 2020, còn Indonesia và Philippines lại giảm do lượng phát hành lớn trong năm 2020. Việt Nam là nguồn phát hành nợ xanh lớn thứ hai trong ASEAN, đạt 1 tỷ USD, chỉ sau Singapore.

6, Đoàn Thanh niên NHTW tổ chức Hội thảo khoa học: “Tăng trưởng bền vững và vai trò của ngành Ngân hàng”

Ngày 14/6, Đoàn Thanh niên Ngân hàng Trung ương (NHTW) đã tổ chức Hội thảo khoa học “Tăng trưởng bền vững và vai trò của ngành Ngân hàng”.

Hội thảo khẳng định vai trò quan trọng của NHTW trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững gắn với triển khai ngân hàng xanh; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và lồng ghép các yêu cầu về bảo vệ môi trường vào quy định hiện hành về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng; ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.

Hội thảo cũng đề xuất xây dựng định hướng phát triển cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực xanh; từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tín dụng xanh, ngân hàng xanh; khuyến khích các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cung cấp tín dụng xanh; có cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn để cung cấp tín dụng xanh; hạ tầng thông tin doanh nghiệp được củng cố.

Khẳng định phát triển trái phiếu xanh góp phần vào tăng trưởng bền vững giúp nâng cao danh tiếng của tổ chức phát hành; cung cấp thêm một công cụ huy động vốn; đáp ứng nhu cầu tìm kiếm các cơ hội đầu tư xanh và các-bon thấp trên thị trường ngày càng gia tăng; được hưởng ưu đãi về thuế, phí với một số dịch vụ chứng khoán; đóng góp và thúc đẩy xu thế phát triển xanh và bền vững.

7, HDBank thực hiện loạt ký kết, tích cực hỗ trợ phát triển bền vững

Cùng sáng kiến “Chính sách khí hậu Việt Nam” hợp tác với Đại học Harvard, HDBank đã liên tục thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp địa phương, góp phần ổn định nền kinh tế với nhiều chương trình thiết thực…

Tháng 5/2022, IFC và HDBank đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác chiến lược, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận tài chính, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm tài trợ chuỗi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong năm 2022, HDBank tiếp tục là ngân hàng thương mại hàng đầu trong tín dụng xanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững với nhiều ưu đãi thiết thực, xây dựng thành công mô hình “ngân hàng xanh” với việc tài trợ hàng trăm triệu USD cho nhiều dự án năng lượng tái tạo và tài trợ hàng chục nghìn tỷ đồng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Năm 2021, IFC đã giải ngân khoản vay dài hạn 70 triệu USD để hỗ trợ HDBank tài trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo. IFC cũng đã đầu tư 95 triệu USD vào trái phiếu quốc tế chuyển đổi do HDBank phát hành với mục đích tạo nguồn hỗ trợ HDBank tăng cường cho vay doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ và vừa.