Bản tin Bất động sản Hà Nội Tháng 6/2022

Chào mừng quý vị đã quay trở lại với Chương trình “Bản tin Hà Nội”. Đây là chương trình cập nhật thông tin Bất Động Sản tại thị trường Hà Nội, được phát sóng định kỳ hàng tháng. 

1, Hà Nội: Sắp thanh tra loạt dự án liên quan đến bất động sản

Ngày 2/6, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, đơn vị vừa quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện, gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai.

Nhiều dự án lớn thuộc đối tượng thanh tra, như: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu Đoàn ngoại giao của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP; các dự án của Công ty kinh doanh và dịch vụ nhà Hà Nội ở quận Bắc Từ Liêm. Khu đô thị Bắc An Khánh của Công ty Liên doanh TNHH Phát triển đô thị mới An Khánh; phần mở rộng khu B của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà; dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở công trình công cộng của Công ty Đầu tư phát triển nhà số 12; Dự án khu nhà ở Khu đô thị mới đại học Vân Canh của Công ty cổ phần đầu tư An Lạc và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TST; dự án cao ốc phức hợp đa năng T&T của Công ty cổ phần hóa dược Việt Nam; 

Ngoài ra, còn có các dự án của Công ty cổ phần Hùng Vương, Công ty cổ phần xây dựng sông Hồng, Công ty TNHH xây dựng IDC ở quận Tây Hồ; các dự án của Công ty TNHH Phú Đạt, các dự án của Công ty TNHH Ngọc Linh, Công ty cổ phần Kết Thành…

2, Hà Nội thanh tra 33 tổ chức, siết quản lý hơn 1.200 biệt thự cũ

Hà Nội thanh tra nhiều tổ chức, trong đó có nhiều siêu dự án; siết quản lý hơn 1.200 biệt thự cũ, thêm quy định về điều kiện đất được tách thửa… là những tin bất động sản mới nhất.

Nhằm tăng cường quản lý, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1845/QĐ-UBND về danh mục nhà biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố. 

Theo đó, danh mục gồm 1.216 nhà biệt thự cũ được chia làm 3 nhóm: Nhóm 1 có 222 biệt thự; nhóm 2 có 356 biệt thự và nhóm 3 có 638 biệt thự, thuộc đối tượng quản lý theo Quy chế quản lý, sử dụng biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn thành phố.

UBND TP. Hà Nội mong muốn việc ban hành quyết định lần này để tăng cường và siết chặt việc quản lý, giúp cơ quan chức năng, cán bộ cơ sở dễ thực thi nhiệm vụ.

3, Thêm quy định mới về điều kiện đất được tách thửa ở Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017 về một số nội dung thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố có hiệu lực kể từ ngày 4/6/2022.

Theo đó, điều kiện, tiêu chí để tách thửa là khu đất phải liền thửa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch, có khả năng kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung khu vực. Có kích thước các cạnh của thửa đất từ 10m trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 20m trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp).

Cùng với đó, phải có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ tối thiểu từ 200m2 trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 400m2 trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) và chiếm từ 10% trở lên so với diện tích khu đất thực hiện dự án.

Chi tiết tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở (toàn bộ diện tích thửa đất là đất ở) đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

4, 13 dự án chung cư dọc tuyến đường Lê Văn Lương nhiều sai phạm

Tại Kết luận số 39/KL-TTr của Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về quy hoạch, xây dựng của 13 dự án nhà chung cư và nhiều dự án khác dọc tuyến đường Lê Văn Lương – Tố Hữu – Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (Hà Nội).

Quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhưng khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án thiết kế rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, diện tích sàn, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng, gấp 6 lần.

Về quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận và giấy phép xây dựng cũng nhiều sai sót. Cụ thể, tại 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch, tổng mặt bằng, phương án thiết kế; không có hoặc sai giấy phép xây dựng, thiết kế được duyệt.

5, Hà Nội: Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chung cư cũ

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 1437/QĐ-UBND về việc thành lập Hội đồng thẩm định, đánh giá công tác kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn TP.

Theo quyết định, Sở Xây dựng Hà Nội là cơ quan Thường trực Hội đồng thẩm định. Hội đồng thẩm định chịu trách nhiệm trước UBND TP Hà Nội về kết quả thẩm định, đánh giá công tác kiểm định các chung cư cũ trên địa bàn TP; xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá kết quả kiểm định chất lượng hiện trạng các chung cư cũ, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định; rà soát, đánh giá sự phù hợp kết quả kiểm định của các nhà chung cư cũ (đã thực hiện) so với thực tế hiện trạng và quy định hiện hành; rà soát danh mục các chung cư cũ chưa có trong danh mục hoặc đã có những thông tin chưa chính xác hoặc chưa đúng đối tượng theo đề nghị UBND quận, huyện;

Tổ chức xem xét, đánh giá và tham mưu UBND TP phê duyệt bổ sung, điều chỉnh danh mục (nếu có); tổ chức thẩm định, đánh giá kết quả kiểm định của các đơn vị theo quy định pháp luật trước khi kết luận kiểm định được ban hành.

Trường hợp cần thiết, Hội đồng thẩm định có thể tham khảo ý kiến của các bộ, ngành, đơn vị và các chuyên gia có liên quan để xem xét, đánh giá kết quả kiểm định chung cư cũ đối với từng trường hợp cụ thể.

UBND phường Thanh Xuân Nam đã xây dựng kế hoạch, lộ trình cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn phường bám theo kế hoạch, tiến độ của TP và quận.

Qua rà soát, trên địa bàn quận Thanh Xuân có hơn 200 nhà chung cư cũ được xây dựng từ những năm 1970 – 1990. Nhiều nhà chung cư cũ đến nay đã xuống cấp.

Theo UBND quận Thanh Xuân, về tiến độ triển khai thực hiện đề án, quận đã lập và trình Sở Xây dựng Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ kiểm định và đã được Sở Xây dựng ban hành quyết định phê duyệt kiểm định đối với 7 tòa chung cư trong giai đoạn 1. 

UBND quận đã có văn bản trình UBND TP và Sở Xây dựng điều chỉnh kế hoạch. Sau khi UBND TP có điều chỉnh kế hoạch, quận sẽ thực hiện công tác kiểm định, phấn đấu hoàn thành trong năm 2022.

6, Giá nhà tại Hà Nội tăng nhanh hơn TP HCM

Dữ liệu Batdongsan.com.vn cho biết, giá rao bán chung cư Hà Nội và TP HCM trong 5 tháng đầu năm nay ghi nhận tăng so với mặt bằng giá năm 2021.

Trong đó, Hà Nội có tốc độ tăng giá căn hộ nhanh hơn TP HCM. Cụ thể, mặt bằng giá rao bán trung bình của chung cư Hà Nội tăng 8%, của TP HCM tăng 5%. 

Riêng trong tháng 5/2022, mức độ quan tâm hầu hết các phân khúc chung cư ở hai đô thị lớn tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tại Hà Nội, nhu cầu tìm thuê căn hộ tăng 6%, nhu cầu tìm mua căn hộ tăng lần lượt 6% và 4% đối với phân khúc cao cấp và trung cấp, và chỉ giảm nhẹ 3% ở phân khúc bình dân so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia, thời gian qua, việc giá vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều dự án vẫn còn vướng mắc các thủ tục pháp lý,… là những nguyên nhân dẫn tới khan hiếm nguồn cung và giá bị đẩy lên cao liên tục.