Xin chào quý vị và các bạn đang theo dõi chương trình chuyển động bđs Việt Nam tháng 10/2022. Đây là chương trình cập nhật những thông tin mới nhất trên thị trường bất động sản được phát sóng hàng tháng trên kênh đầu tư Sen Vàng.
1. Kiên quyết thu hồi những dự án bỏ hoang
Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vừa có Công văn số 6118/BTNMT-TCQLĐĐ gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra xử lý các dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất.
Theo Bộ TN&MT, thời gian qua, tại các địa phương, các tỉnh, thành phố lớn còn tồn tại nhiều dự án, công trình đã được Nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm nhưng chưa được kiểm tra, rà soát, xử lý theo quy định của pháp luật (điểm i khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013), gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TN&MT đã có các văn bản hướng các địa phương rà soát, xử lý những dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm. Tuy nhiên, việc thực hiện của nhiều địa phương còn chưa kiên quyết, đầy đủ các nội dung theo quy định và chưa xử lý hết vi phạm theo thẩm quyền.
Bộ TN&MT giao Thanh tra Bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra đối với những tỉnh, thành phố nhiều dự án không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm tiến độ sử dụng đất mà chưa được xử lý; dự án sử dụng nhiều diện tích đất nhưng chậm đầu tư đưa đất vào sử dụng, dự án vi phạm chậm tiến độ đã quá lâu nhưng chưa xử lý dứt điểm, để hoang hóa, lãng phí đất đai…
2. Bộ Xây dựng: Thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn
Theo báo cáo tổng kết 9 tháng đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có khoảng 400 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với tổng quy mô xây dựng hơn 450,000 căn đang triển khai đầu tư.
Trong đó, có 245 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân quy mô 300,000 căn hộ đang trong trạng thái chờ thực hiện thủ tục đầu tư và 156 dự án quy mô gần 157,000 căn hộ đang đầu tư xây dựng.
Trong đó, Hà Nội có 38 dự án đang chờ làm thủ tục (gần 33.666 căn hộ), 5 dự án đang xây dựng (hơn 6,600 căn hộ); TPHCM có 11 dự án đang chờ hoàn thành thủ tục (gần 9,000 căn hộ), 38 dự án đang xây dựng (hơn 45,000 căn hộ).
Bộ Xây dựng cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Trong 3 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị, các đơn vị tiếp tục chủ động, quyết tâm cao và phối hợp hiệu quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; có sự phân công rõ ràng để dễ đánh giá.
3. Bất động sản công nghiệp – “điểm sáng” trên thị trường
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý 3 của các đơn vị nghiên cứu, bất động sản công nghiệp tiếp tục là điểm sáng khi liên tục gia tăng về giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.
Thu hút hơn 3,5 tỷ USD, chiếm gần 19% tổng vốn đăng ký, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2021, bất động sản tiếp tục đứng thứ 2 về thu hút vốn FDI trong 9 tháng đầu năm nay. Riêng bất động sản công nghiệp là “điểm sáng” khi giá thuê liên tục tăng. Các khu công nghiệp tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh gần như lấp đầy hoàn toàn.
Theo thống kê, bất động sản công nghiệp có lợi suất đạt 8 – 11%. Trong khi đó, lợi nhuận trung bình của nhà cho thuê chỉ vào khoảng hơn 4%/năm. Con số lợi nhuận đầu tư khu công nghiệp khá ấn tượng.
Đó là kết quả trực tiếp từ thành công trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đặc biệt, từ năm 2021 tới nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Thủ tướng khẳng định Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
4. Tín dụng bất động sản tăng trưởng cao nhất nhiều năm
Báo cáo Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết tín dụng đạt gần 11,6 triệu tỉ đồng tính tới cuối tháng 9-2022. Trong đó vốn tín dụng rót vào lĩnh vực bất động sản trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng gần 15,7% so với cuối năm 2021, mức tăng cao nhất so với cùng giai đoạn nhiều năm.
Về mục đích sử dụng, tín dụng bất động sản tập trung chủ yếu cho việc vay tự sử dụng với mức tăng hơn 20,1%, kinh doanh bất động sản với mức tăng 7,35%.
Để hạn chế rủi ro, NHNN đã áp dụng các biện pháp giám sát chặt tốc độ tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, nhất là đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, cũng như thực hiện các giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động.
Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng khi cấp vốn cho bất động sản phải tăng kiểm soát chất lượng tín dụng, thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh, đảm bảo dòng vốn chảy đúng đích.
5. Đón xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe
Ngày 25/10, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo “Đón đầu xu hướng bất động sản chăm sóc sức khỏe” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức nhằm nhận diện các thách thức, rào cản, đề xuất các giải pháp phát triển dòng sản phẩm này, qua đó nâng cao giá trị ngành du lịch, góp phần phát triển bền vững kinh tế.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, các chuyên gia kinh tế cùng đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết: Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến lối sống, nhu cầu và hành vi của người tiêu dùng, kéo theo sự thay đổi xu hướng bất động sản (BĐS) và du lịch. Trong đó dòng sản phẩm BĐS chăm sóc sức khỏe đang được chú ý nhiều hơn, dòng vốn đầu tư có xu hướng chảy mạnh về các dự án du lịch chăm sóc sức khỏe – nghỉ dưỡng.
Tại Việt Nam, thị trường BĐS – du lịch chăm sóc sức khỏe có nhiều lợi thế; bờ biển dài, nhiều thắng cảnh và di tích văn hóa, lịch sử, cùng với nền y học cổ truyền đặc sắc, nhiều hệ thống suối khoáng nóng… thích hợp với nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe của khách du lịch.
Để phát triển lĩnh vực này, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị: Các cấp, ngành hữu quan cần sớm hoàn thiện quy hoạch đất đai bất động sản nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe…; sớm xem xét, chỉ đạo xây dựng hướng dẫn, khung pháp lý quản lý và phát triển các mô hình quỹ đầu tư BĐS, đầu tư trên nền tảng số, gọi vốn cộng đồng.
6. Lãi suất tăng khiến doanh nghiệp bất động sản “khó chồng thêm khó”
Doanh nghiệp bất động sản đang rơi vào tình cảnh ngày càng khó khăn khi lãi suất tiếp tục tăng cao khiến thị trường chậm thanh khoản, trong khi các dòng vốn khác đều đang ách tắc. Một trong những thông tin đang được nhận sự quan rất lớn trên thị trường bất động sản hai ngày vừa qua là việc tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước tối 24/10.
Đây là lần tăng lãi suất điều hành thứ hai của Ngân hàng Nhà nước chỉ trong vòng một tháng qua. Cụ thể, tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng từ 6%/năm lên 7%/năm.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lãi suất của Ngân hàng nhà nước là động thái tích cực nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, quyết định này sẽ tiếp tục gây thêm những khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là trên thị trường tài chính, bất động sản.
7. Đề xuất áp dụng giao dịch điện tử cho bất động sản, cấp giấy sử dụng đất
Tiếp tục kỳ họp thứ 4, sáng 25.10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Theo ông, việc sửa đổi Luật nhằm khắc phục những vướng mắc của Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Cụ thể là việc hạn chế một số lĩnh vực áp dụng giao dịch điện tử trong Luật có thể gây cản trở ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong những lĩnh vực này. Khắc phục việc thiếu quy định về việc chuyển đổi từ văn bản giấy sang bản điện tử và ngược lại, trong khi đây là một nhu cầu rất lớn trong xã hội cần có hành lang pháp lý cụ thể. Khắc phục việc thiếu các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử, thúc đẩy giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước; thiếu quy định về việc tạo lập, thu thập, kết nối, chia sẻ dữ liệu của cơ quan nhà nước.
Mục đích của việc sửa luật cũng nhằm ưu tiên, khuyến khích thực hiện giao dịch điện tử bằng các chính sách giúp thực hiện giao dịch điện tử với thời gian nhanh hơn, chi phí thấp hơn, tiếp cận dễ dàng hơn, được bảo đảm an toàn, tin cậy hơn.
Thông tin vừa rồi đã kết thúc chương trình chuyển động bất động sản Việt Nam tháng 10/2022. Cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin kính chào và hẹn gặp lại trong các chương trình tiếp theo.
Nguồn: Sen Vàng Group -BTV Thương Trần
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59