Sổ đỏ và sổ hồng loại giấy tờ rất quan trọng để đảm bảo, công nhận quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu trên diện tích đất được cấp phép. Năm 2021, Chính phủ sẽ có một số quy định mới liên quan đến sổ đỏ.
Sổ đỏ, sổ hồng là gì?
Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến để chỉ các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất dựa theo màu sắc.
Sổ hồng có 2 loại là Sổ hồng cũ (cấp trước ngày 10/12/2009) và Sổ hồng mới (áp dụng từ ngày 10/12/2009 đến nay). Sổ hồng mới là mẫu Giấy chứng nhận áp dụng chung trong cả nước để chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Còn Sổ đỏ chỉ có 1 loại, được sử dụng để chứng nhận quyền sử dụng đất. Đây là một trong những giấy tờ để đảm bảo tính pháp lý của bất động sản.
Thêm một cơ quan được quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ
Tại khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP được Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ban hành ngày 18/12/2020 về cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cụ thể từ ngày 08/02/2021 sẽ có thêm 01 cơ quan nữa được quyền cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ là Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (hiện nay, tại Điều 60 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP chỉ quy định Văn phòng đăng ký đất đai).
Với những nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì nơi thực hiện các thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ là:Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh: Tiếp nhận hồ sơ của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện: Tiếp nhận hồ sơ của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Ủy ban nhân dân cấp xã chuyển hồ sơ đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Sổ đỏ đến Văn phòng đăng ký đất đai, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nếu hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Số người được đứng tên tối đa
Theo Khoản 2 Điều 98 Luật Đất đai 2013, quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận: “Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện”.
Chính vì vậy mà không giới hạn số người đứng tên và căn cứ theo khoản 3 Điều 5 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, nếu có nhiều cá nhân, tổ chức cùng sở chung tài sản gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận ghi như sau:
Trên mỗi Giấy chứng nhận ghi thông tin đầy đủ về người được cấp Giấy chứng nhận; tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với… (ghi lần lượt tên của những người còn lại có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất)“.
Thửa đất có nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thỏa thuận bằng văn bản cấp 01 Giấy chứng nhận cho người đại diện (có công chứng hoặc chứng thực) thì Giấy chứng nhận được cấp cho người đại diện đó.
Trên Giấy chứng nhận ghi thông tin của người đại diện, dòng tiếp theo ghi “Là người đại diện cho những người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất) gồm: … (ghi lần lượt tên của những người cùng sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất)“.
Trường hợp có nhiều người cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi trên trang 1 không hết thì dòng cuối trang 1 ghi “và những người khác có tên tại điểm Ghi chú của Giấy chứng nhận này“.
Tổng hợp và biên tập: Thu Hiền