Bản tin Quy hoạch vùng Tây Nguyên tháng 07/2022

Bản tin quy hoạch vùng là hạng mục mới được tổng hợp bởi Sen Vàng Group và được cập nhật định kỳ hàng tháng. Nhằm giúp quý độc giả cũng như các nhà đầu tư trang bị kiến thức và nắm bắt thông tin quy hoạch của các vùng để đưa ra những chiến lược đầu tư hiệu quả.

Trong thời gian qua, có rất nhiều thông tin quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến vùng và thị trường bất động sản vùng Tây Nguyên. Hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật trong Quy hoạch vùng Tây Nguyên trong tháng 7/2022 vừa qua.

1. Quy hoạch mới mở ra cơ hội phát triển mới cho khu du lịch Măng Đen tại KonTum

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Kon Tum vừa phát đi Công văn số 2460/UBND-HTKT về việc lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông. Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum cho biết, nhằm triển khai thực hiện Công văn số 628/TTg-CN ngày 21/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông.

Khu du lịch Măng Đen (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Đồng thời, qua buổi làm việc với các đơn vị ngày 27/7/2022, UBND tỉnh Kon Tum giao Sở Xây dựng tổ chức lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy trình, quy định. Trong đó, yêu cầu nghiên cứu xác định phạm vi, ranh giới, quy mô diện tích lập quy hoạch, giải pháp kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giữa Khu du lịch với thị trấn Măng Đen và các đô thị mới trong phạm vi quy hoạch đảm bảo theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn nêu trên.

UBND tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu các sở ngành có liên quan và UBND huyện Kon Plông theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng trong quá trình lập quy hoạch; kịp thời hỗ trợ, cung cấp thông tin, tham gia ý kiến, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Điều chỉnh Quy hoạch cục bộ chung Thành phố KonTum

 

Ngày 25/7/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 451/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đến năm 2030. 

Một góc của thành phố Kon Tum (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Theo đó, diện tích đất an ninh, đất lâm nghiệp, đất nhà máy, xí nghiệp, khu làng nghề tiểu thủ công nghiệp là những hạng mục có trong danh sách điều chỉnh quy hoạch toàn thành phố.

UBND tỉnh sẽ tổ chức công bố, công khai nội dung điều chỉnh cục bộ nêu trên; tổ chức quản lý, cập nhật vào các đồ án quy hoạch đô thị có liên quan, đảm bảo phù hợp với Quy chuẩn quốc gia về Quy hoạch xây dựng; triển khai thực hiện các bước tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, đất đai, đầu tư, xây dựng và pháp luật hiện hành liên quan; không làm thất thoát tài sản, ngân sách nhà nước.

3. Quy hoạch sân bay quân sự – dân dụng ở biên giới Tây Nguyên 

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Quốc phòng vừa thống nhất chủ trương quy hoạch sân bay Nhân Cơ thành sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.

Trước đó, UBND tỉnh Đắk Nông có văn bản đề nghị Bộ GTVT quan tâm xem xét, đưa sân bay Nhân Cơ tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp vào quy hoạch sân bay lưỡng dụng (quốc phòng – dân sự), trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để có cơ sở triển khai đầu tư theo quy định.

Tỉnh Đắk Nông có văn bản xin Bộ GTVT xem xét xây dựng sân bay (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, địa phương chỉ có duy nhất một phương thức vận tải là đường bộ; đường thủy không khai thác được; đường sắt, đường hàng không chưa được đầu tư xây dựng. Đây là hạn chế rất lớn trong việc thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng để phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Đắk Nông.

Theo Bộ Quốc phòng, sân bay Nhân Cơ được đưa vào Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc với chức năng là sân bay dự bị, sử dụng khi có các tình huống về quốc phòng. Hiện Bộ Quốc phòng giao Quân khu 5 quản lý sân bay Nhân Cơ và chưa có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Với chủ trương kết hợp phát triển kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng an ninh, Bộ Quốc phòng cho biết ủng hộ chủ trương quy hoạch sân bay Nhân Cơ là sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp dân sự, trên cơ sở Bộ Quốc phòng quản lý tổng thể về quy hoạch đất quốc phòng.

4. Gia Lai thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch 4 dự án của FLC

UBND tỉnh Gia Lai quyết định thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 đối với 4 dự án đã cấp cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.

Ngày 25/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Hồ Phước Thành đã ký văn bản truyền đạt ý kiến của UBND tỉnh Gia Lai về việc thu hồi chủ trương nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500.

Một góc thành phố Pleiku – Gia Lai (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai quyết định thu hồi các chủ trương mà UBND tỉnh đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC nghiên cứu, khảo sát, lập quy hoạch chi tiết 1/500 gồm: Dự án tháp, khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ cao cấp FLC Pleiku; Dự án khu đất 5ha và 3ha đường Nguyễn Chí Thanh, TP Pleiku; Dự án Khu du lịch văn hóa Cao Nguyên đồi thông; Dự án Khu du lịch Biển Hồ – Chư Đăng Ya.

Mới đây, tại kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2016 – 2021 và ông Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh. 

Vi phạm của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai và nhiều lãnh đạo ở Gia Lai đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật. Trong nhiều nội dung vi phạm có việc báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa do Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.

5. Lâm Đồng sắp có thêm khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Đạ Sar – Đạ Nhim quy mô gần 500 ha.

Ngày 22/7/2022, UBND huyện Lạc Dương ban hành Tờ trình số 104/TTr-UBND gửi UBND tỉnh Lâm Đồng về việc đề nghị thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và dự toán Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng (tỷ lệ 1/2000) Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Đạ Sar – Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng (tỷ lệ 1/2000) Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Đạ Sar – Đạ Nhim có diện tích khoảng 467.56 ha. Trong đó có 99.88 ha đất thuộc xã Đạ Sar và 361.51 ha thuộc xã Đạ Nhim.

Tờ trình của UBND huyện Lạc Dương cũng đã dự báo quy mô khách du lịch giai đoạn 2020 – 2025. Theo đó khách tham quan dự báo 1,126,000 lượt khách/năm; lượt khách nghỉ đêm dự báo 225,200 lượt khách/năm.

Lâm Đồng sắp có thêm khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Mục tiêu của đồ án quy hoạch là nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Lâm Đồng, Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hình thành khu du lịch tập trung trên tuyến đường Quốc lộ 27C, đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng…, gắn với bảo tồn và phát triển, bảo vệ tài nguyên rừng, phù hợp với điều kiện địa hình và cảnh quan thiên nhiên trong khu vực. Bên cạnh đó là phát huy các giá trị văn hóa bản địa đặc trưng; khai thác các đặc thù về điều kiện khí hậu, cảnh quan, hệ sinh thái nông nghiệp…

Quý độc giả vui lòng tham khảo:

Bản tin quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng tháng 7/2022

Bản tin quy hoạch vùng Đông Nam Bộ tháng 7/2022

Bản tin quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long tháng 7/2022

Nguồn: Sen Vàng tổng hợp – BTV Quang Linh