“Dự án ma” mồi câu của chủ đầu tư – làm sao để tránh?

Đầu tư BĐS đang là xu hướng hiện nay khi nó mang lại lợi nhuận cực khủng cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó những dự án tiềm năng thì vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro không hề nhỏ mà phải kể đến trong số đó là những “dự án ma” – thứ mà khiến các nhà đầu tư tiền mất tật mang. Vậy dự án mà là gì? Các chủ đầu tư đã dùng nó như một “món mồi” như thế nào?

 

DỰ ÁN MA LÀ GÌ?

Dự án ma là những dự án không có thật, không có đủ hồ sơ pháp lý. Nó được doanh nghiệp tự “vẽ” ra bằng nhiều cách để có thể thu lợi bất chính.

Dự án ma có thể là những dự án nằm trên giấy không có thực hoặc là một dự án đã có những cơ sở hạ tầng cơ bản nhằm tạo dựng niềm tin cho người đầu tư nhưng thực chất dự án lại không hề có các giấy tờ pháp lý liên quan.

 

Chủ đầu tư đã “thả mồi” như thế nào?

 

“Dự án ma” gây ra cho các nhà đầu tư nỗi sợ cả về nghĩa đen và nghĩa bóng. Những vụ lừa đảo dự án ma có đầy khắp các mặt báo gây hoang mang mọi người. Vậy những kẻ lừa đảo làm như nào để lấy được tiền của các nhà đầu tư?

Có thể kể đến cách mà công ty BĐS alibaba đã làm để lừa hơn 6700 khách hàng trong suốt ba năm. Công ty Alibaba đã đứng ra thu mua đất nông nghiệp và sau đó tự phân lô, vẽ thiết kế và quảng cáo một cách rầm rộ trong khi đó về mặt pháp lý thì dự án này hoàn toàn không tồn tại. Với việc đưa ra những mức giá rất hấp dẫn từ 200 đến 400 triệu một lô tùy từng khu vực dự án kèm theo đó là những ưu đãi thuê lại với giá 2% trong vòng 12 tháng cho các trường hợp trả trước 95% hoặc mua lại trong vòng 12 tháng với mức chênh lệch đến 30%. Thấy món lời trước mắt, các nhà đầu tư đã vội vã xuống tiền và sập bẫy của Alibaba.

Có công ty còn cao tay hơn khi mà những mảnh đất thu mua chưa về tay mình thì đã vẽ dự án và thu về số tiền đầu tư vô cùng lớn. Có khi những lô đất không chỉ bán cho một mà hai ba người khác nhau.

Ngoài cách làm trên thì các công ty lừa đảo còn rao bán dự án này nhưng lại bán một dự án khác. Những kẻ lừa đảo đăng bán những dự án “trong mơ” ở các vị trí vàng với giá vô cùng rẻ và nó đã đánh trúng vào tâm lý của các nhà đầu tư. Nhưng thứ các nhà đầu tư được xem và nhận lại thì không phải ở vị trí được quảng cáo mà ở tận đẩu đâu.

 

Vậy làm sao để kiểm tra được các dự án ma?

 

Để làm cảnh giác với chiêu trò lừa đảo này thì bạn cần phải để ý đến:

 

        Tính xác thực của chủ đầu tư

Chủ đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng quyết định đến sự thành công của một dự án bất động sản. Hơn nữa họ cũng là người sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ cho dự án. Vì thế để đảm bảo dự án tiềm năng, trước tiên bạn hãy kiểm tra và đánh giá năng lực của chủ đầu tư cũng như các dự án trước đó. 

Một chủ đầu tư uy tín nên có các ưu điểm như thi công dự án đúng tiến độ, đúng kế hoạch, bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đúng hạn, bàn giao nhà đúng cam kết… Đặc biệt bạn nên tránh các chủ đầu tư từng vi phạm pháp luật để chắc chắn rằng dự án ít gặp rủi ro trong tương lai.

 

        Yêu cầu minh bạch tính pháp lý của dự án:

Dự án ma thường sẽ không có đầy đủ các giấy tờ pháp lý. Để chắc chắn trước khi đầu tư bạn hãy kiểm tra thật kĩ từng loại giấy tờ của dự án như: quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, giấy phép xây dựng, … đã được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt.

Cùng với đó, bạn hãy kiểm tra các thông tin này ở những nguồn khác nhau và so sánh chúng. Bạn hãy chắc chắn rằng dự án này không có gì bất thường về mặt pháp lý trước khi đầu tư.

 

        Khảo sát thực tế

Ngoài việc kiểm tra kĩ lượng giấy tờ thì bạn cũng nên đi đến trực tiếp dự án bạn muốn đầu tư. Các cụ ta vẫn nói “trăm nghe không bằng một thấy” Bạn hãy đến tận nơi và khảo sát, thăm dò dự án cũng như xung quanh dự án. Nó sẽ giúp bạn tránh những rủi ro sau này.

 

        Tìm hiểu kĩ loại hợp đồng kí kết:

Các chủ đầu tư dự án ma thường sẽ để bạn kí vào một bản hợp đồng không có giá trị về mặt pháp lý cũng giống như một vài trường hợp của alibaba, Angel Lina, … để tránh bị sập bẫy tốt nhất bạn hãy tìm hiểu kĩ bản hợp đồng mà mình đặt bút.

Những chia sẻ qua bài viết sẽ giúp các nhà đầu tư hiểu rõ hơn những chiêu trò mà các công ty lừa đảo làm để thu lợi bất chính thông qua những “dự án ma” và qua đó có thể giảm thiểu rủi ro đến mức tối thiểu.

 

 

Nguyễn Thế Tá