Xu hướng phát triển bất động sản xanh trong tương lai

 Bất động sản xanh hay công trình xanh (CTX) ở trên thế giới thực tế đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, và Việt Nam cũng đang bắt đầu trên con đường phát triển này. Từ một số lợi thế về hệ thống tiêu chuẩn và hỗ trợ của Hội đồng công trình xanh thế giới, kèm theo những tác động của xu hướng bền vững và sự thúc đẩy của dịch bệnh Covid-19, bất động sản xanh tại Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn nữa.

1, Nâng cấp công trình theo hướng xanh nhờ hướng dẫn của các hệ thống và chương trình đánh giá CTX

bất động sản xanh
Mô hình dự án bất động sản xanh

    Xu hướng phát triển bất động sản xanh ở Việt Nam và các nước trên thế giới không chỉ bao gồm các dự án tương lai, mà các công trình đã được xây dựng trước đó và đang hoạt động theo cách truyền thống cũng có thể góp phần vào nỗ lực phát triển bền vững này.

Gần đây, ngày càng nhiều dự án mới được xây dựng đạt chuẩn công trình xanh, tuy nhiên số lượng công trình hoạt động theo cách truyền thống vẫn chiếm tỉ trọng rất lớn. Vì vậy, sự tham gia của nhóm công trình này sẽ một động lực rất lớn cho sự phát triển và lan tỏa của hoạt động công trình xanh. 

 

   Để hỗ trợ cho việc nâng cấp công trình theo hướng phát triển xanh, các hệ thống đánh giá phổ biến đều cung cấp các hướng dẫn cần thiết cho các chủ công trình. Bắt đầu từ năm 2007, Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ đã phát triển LEED Green Building Rating Systems for Existing Buildings: Operation and Maintenance (LEEDEBOM / LEED-EB) với những tiêu chuẩn xanh với mục tiêu tối đa hóa hiệu quả năng lượng của tòa nhà, giảm thiểu ảnh hưởng xấu tới môi trường và nâng cao sức khỏe và chất lượng sống của cư dân. LEED-EB cung cấp cho các chủ sở hữu công trình một hệ thống các tiêu chuẩn để đối chiếu để thiết kế những phương án cải tiến và kế hoạch bảo trì phù hợp đối với công trình trong suốt quá trình hoạt động.

   Ngoài ra, các công cụ đánh giá khác được sử dụng rộng rãi trên thế giới như Green Globes, Energy Star hay LOTUS – hệ thống đánh giá dành cho thị trường Việt Nam, đều có tham khảo để đưa ra định hướng phù hợp cho công trình, kể cả khi không hướng tới việc được cấp chứng nhận công trình xanh.

 

   Đồng thời, để khái niệm công trình xanh được biết đến và ứng dụng rộng rãi hơn trong các công trình hiện hữu, cần thiết có các chính sách khuyến khích của chính phủ đối với chủ sở hữu tòa nhà nhằm khuyến khích những nỗ lực trong việc cải tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả. Theo một nghiên cứu, những khoản trợ cấp của chính phủ cho việc bảo trì và phát triển theo hướng công trình xanh cho những tòa nhà có thời gian sử dụng từ 40 năm trở lên là hoàn toàn hợp lý để tạo động lực phát triển của xu hướng này. 

 

   Nhờ có công nghệ mới và các loại vật liệu xanh, việc nâng cấp trên công trình đang được sử dụng là lựa chọn bền vững hơn so với việc phá dỡ và xây mới toàn hoàn một công trình xanh mới. Những hệ thống đánh giá như LEED, EDGE, LOTUS với những tiêu chuẩn rõ ràng sẽ tiếp tục phát huy trong việc định hướng và đánh giá chất lượng-giúp đỡ và gỡ rối cho các chủ công trình này. 

2, Một số giải pháp tiết kiệm năng lượng cho bất động sản xanh

   Các công trình có thể tham khảo một số gợi ý của wbdg.com, bài viết Retrofitting Existing Buildings To Improve Sustainability and Energy Performance về một số giải pháp nâng cấp hạ tầng công trình nhằm giảm chi phí hoạt động, tiết kiệm năng lượng, tạo môi trường sống thoải mái và lành mạnh hơn, và tăng độ bền của tòa nhà. Một số gợi ý được nêu ra là:

  • Kiểm tra hệ thống năng lượng và hệ thống nước để xác định hiệu suất sử dụng, sau đó đưa ra những nâng cấp phù hợp.
  • Sử dụng thông gió tự nhiên để giảm tải hệ thống điều hòa không khí.
  • Kết hợp hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng vào công trình và lắp đặt các cảm biến ánh sáng ở những vị trí phù hợp với hoạt động và chức năng của không gian.
  • Tối ưu hóa việc tái chế và tái sử dụng các chất thải xây dựng để hạn chế việc chôn lấp rác.
  • Đầu tư vào năng lượng tái tạo để thay thế việc sử dụng các loại năng lượng hóa thạch
  • Cân nhắc các thiết bị che nắng cho cửa sổ và cửa ra vào có khả năng tạo ra điện bằng các thiết bị quang điện
  • Thay thế các cửa sổ hiện có với cửa sổ có hiệu suất cao. Nếu công trình nằm trong khu vực bị ô nhiễm tiếng ồn, nên lắp đặt những loại cửa sổ có khả năng chống tiếng ồn tốt
  • Phương pháp trồng cây trên mái giúp có thể giúp hạn chế mức năng lượng tiêu thụ của công trình đồng thời giúp giảm hiệu ứng đảo nhiệt đô thị.
  • Lắp đặt đồng hồ đo điện, nước, và ở các tiện ích khác để theo dõi mức độ sử dụng theo thời gian, kiểm soát nhu cầu và chi phí sử dụng, đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người sử dụng.

   Như vậy, việc nâng cấp hay phát triển một bất động sản theo hướng xanh là sự tiến bộ trong tư duy kinh doanh, là sự cân nhắc lợi ích về môi trường và xã hội thay vì chỉ nhìn vào tổng lợi nhuận. Việc nâng cấp nguồn cung sẽ mang đến những tiềm năng về lợi nhuận tốt hơn không chỉ thể hiện ở yếu tố xanh mà còn đi kèm với nhiều giá trị khác. Đáng chú ý, thương hiệu của một tòa nhà xanh, tuy khó đo lường, nhưng sẽ được cân nhắc bởi nhà đầu tư và khách thuê. Với các yếu tố trên, xu hướng tương lai trong năm 2022, bất động sản xanh sẽ là phân khúc được đặt nhiều kỳ vọng và nâng cấp công trình sẽ là điểm sáng cho tổng thể đô thị của Việt Nam.