Vùng Đông Nam Bộ có tổng diện tích 23.551 km2 (chiếm 7,1% diện tích cả nước), với dân số 18,8 triệu người, chiếm 18,9% cả nước (năm 2022). Đây được coi là khu vực kinh tế phát triển hàng đầu tại Việt Nam, góp vào 38,22% ngân sách hàng năm, và có tỷ lệ đô thị hóa đạt 66,5%, bằng 1,8 lần trung bình cả nước. Bài viết dưới đây sẽ đi sâu vào các chỉ số kinh tế – xã hội quan trọng của vùng Đông Nam Bộ hiện nay để giúp chủ đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quát hơn về vùng.
TỶ LỆ ĐÔ THỊ HÓA
Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ có gần 60 đô thị và là vùng có trình độ đô thị hóa cao nhất cả nước. Được biết, nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng – an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ mục tiêu đến năm 2030, vùng Đông Nam bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước.
Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò đô thị trung tâm, đô thị đặc biệt, trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, có động lực và sức thu hút, lan tỏa cho vùng và cả nước.
Cùng ở Đông Nam bộ, Bình Dương là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị, dịch vụ với tỷ lệ đô thị hóa cao nhất vùng (lớn hơn 80%). Mục tiêu của Bình Dương đến năm 2030 là trở thành đô thị thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại và là địa phương đi đầu cả nước về đổi mới sáng tạo.
Ở vị trí cửa ngõ hướng ra biển Đông của các địa phương khu vực miền Đông Nam bộ, Bà Rịa-Vũng Tàu (đứng thứ 3 tỷ lệ đô thị hóa của vùng) cũng chú trọng quy hoạch, phát triển đô thị văn minh, hiện đại. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết tỉnh đã cơ bản định hình 4 vùng rõ rệt là vùng tập trung phát triển công nghiệp và cảng biển ở phía Tây, dọc Quốc lộ 51 và sông Thị Vải-Cái Mép; vùng tập trung phát triển du lịch, đô thị và dân cư ở khu vực phía Nam và Đông Nam của tỉnh; vùng phát triển nông nghiệp tập trung ở phía Bắc; vùng thềm lục địa và hải đảo là khu vực tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, đồng thời bảo vệ quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia trên biển.
Các tỉnh khác có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn 50%, theo thứ tự lần lượt là Đồng Nai (44,76%), Tây Ninh (32,53%) và Bình Phước (24,24%).
BỨC TRANH PCI (CHỈ SỐ CẠNH TRANH)
Chỉ số PCI hay chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh được dùng để đánh giá và xếp hạng các chính quyền cấp tỉnh, thành của Việt Nam về chất lượng điều hành trong kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh.
Bức tranh PCI năm 2022 của Đông Nam Bộ được đánh giá là không mấy lạc quan khi chỉ có 1 tỉnh nằm trong top 5 bảng xếp hạng, còn các tỉnh khác đều không lọt nổi vào top 25.
3 năm vừa qua, Bà Rịa Vũng Tàu đã có sự thăng tiến vượt bậc, vươn lên đứng đầu vùng Đông Nam Bộ trong bảng xếp hạng PCI với hơn 70 điểm. Theo báo cáo, chính quyền tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có nhiều nỗ lực thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, chú trọng thu hút các dự án đầu tư chất lượng cao, bao gồm một số mô hình cải cách hành chính đáng chú ý được nhân rộng sau khi áp dụng thành công ở cấp huyện, xã như mô hình “Ngày thứ Năm không chờ”, “Ngày thứ Bảy lắng nghe dân nói” và “Ký số bản đồ khổ lớn”. Ngoài ra, tỉnh đặc biệt quan tâm về cải thiện chỉ số “Tính minh bạch” trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số, số hóa dữ liệu, công khai minh bạch quy hoạch, dự án trên địa bàn tỉnh.
Cùng lúc đó, TP HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước lại có kết quả tụt xuống top 27 bảng xếp hạng PCI 2022 với 65,86 điểm và xếp sau Bà Rịa – Vũng Tàu trong khu vực Đông Nam Bộ. Xét về khách quan, hạ tầng giao thông đô thị của TPHCM đang bị quá tải, là nguyên nhân lớn khiến môi trường đầu tư bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thời gian qua, các đơn vị có sự chuyển động trong thực hiện cải cách hành chính nhưng có thể chưa đạt hiệu quả cao, chưa nhận được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các sở, ngành với địa phương, giữa TPHCM với các bộ, ban, ngành cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra kết quả trên. Chỉ cần một sở, ngành ì ạch, chậm trễ thì sẽ làm ách tắc cả một quá trình. Mặt khác, thực tế hiện nay các doanh nghiệp vẫn phải chịu nhiều “chi phí chìm”, chi phí chồng chi phí khiến thêm gánh nặng….
Các tỉnh như Đồng Nai và Bình Phước vẫn duy trì phong độ ổn định và tăng điểm PCI ngay cả trong đại dịch Covid-19; đặc biệt, Đồng Nai hiện đang xếp hạng thứ 3 trong bảng xếp hạng PCI trong vùng Đông Nam Bộ với 65,67 điểm. Tuy nhiên, Bình Dương và Tây Ninh lại chứng kiến sự tụt hạng chóng mặt trong bảng xếp hạng PCI 3 năm vừa qua.
CHỈ SỐ GRDP & GRDP BÌNH QUÂN ĐẦU NGƯỜI
Năm 2022, tổng GDP của Đông Nam bộ chiếm 30,8% cả nước, trong đó GRDP của TP.HCM đứng thứ nhất, đạt 1479,2 nghìn tỷ đồng; tiếp đó là Bình Dương đạt trên 459 nghìn tỷ đồng; Đồng Nai đạt 435 nghìn tỷ đồng; Bà Rịa – Vũng Tàu đạt trên 390,3 nghìn tỷ đồng…
GRDP bình quân đầu người toàn vùng đạt 159,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của cả nước (95,6 triệu đồng). Đặc biệt, mặc dù đứng thứ 3 về chỉ số GRDP, Đồng Nai lại đứng đầu GRDP bình quân đầu người (331 triệu đồng/ người). Đứng sau Đồng Nai lần lượt là Bình Dương (166 triệu đồng/ người) và Hồ Chí Minh (158 triệu đồng/ người).
Có thể nói kinh tế vùng Đông Nam Bộ năm 2022 phục hồi nhanh chóng sau đại dịch, lội ngược dòng với tốc độ tăng trưởng cao, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trung bình 9,31% và giữ vững vị trí chiến lược “đầu tàu” của cả nước.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, khu vực Đông Nam Bộ vẫn còn những điểm “nghẽn” hạn chế sự tăng trưởng kinh tế bền vững như: thiếu lao động có kỹ năng và trình độ cao, thiếu sự liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ do cơ chế pháp lý chưa cụ thể, quản lý theo địa giới hành chính gây chia cắt chuỗi cung ứng…Hơn nữa, biểu đồ còn trình bày sự khác biệt đáng kể về hoạt động kinh tế và thu nhập giữa các tỉnh trong vùng.
CHỈ SỐ CƠ SỞ HẠ TẦNG
Bảng số liệu thể hiện sự không đồng đều về cơ sở hạ tầng giữa các tỉnh trong vùng Đông Nam Bộ. Một số tỉnh đã có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, trong khi các tỉnh khác có thể cần phải nỗ lực để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, nhằm đảm bảo hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững. Điều này cần đầu tư và quản lý hạ tầng một cách hiệu quả trong từng tỉnh.
TP Hồ Chí Minh hiện đang đứng thứ 2 bảng xếp hạng cơ sở hạ tầng cả nước và đứng đầu vùng Đông Nam Bộ. Trong thành phố đã hình thành mạng lưới đô thị vệ tinh, trong một không gian mở thông thoáng, liên kết với nhau thông qua các tuyến trục và vành đai đang được xây dựng.
Trong nhiều năm qua, Bình Dương luôn là tỉnh đứng top 5 cả nước về chỉ số Cơ sở hạ tầng. Hệ thống các khu công nghiệp, đường sá, internet, điện… rất hiện đại và đồng bộ. Đó là cơ sở để Bình Dương có những đột phá mạnh mẽ trong thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài có chất lượng.
Nằm ở vị trí trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là “cửa ngõ” của đô thị lớn nhất cả nước, Đồng Nai từ lâu đã đóng vai trò là một đầu mối giao thông quan trọng của cả nước. Chính vì vậy, trong quy hoạch, Đồng Nai “sở hữu” tất cả các loại hình giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường hàng không đến đường thủy.
Được xác định là cửa ngõ hàng hải của cả khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trước đây phụ thuộc nhiều vào dầu khí. Những năm trở lại đây, nhiều lĩnh vực vốn là thế mạnh của địa phương đã có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải đã phát huy vai trò là cảng cửa ngõ quan trọng của cả vùng Đông Nam Bộ. Hiện nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 69 dự án cảng, đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động gần 50 dự án cảng với công suất 141,5 triệu tấn/năm, trong đó hàng container bằng tàu biển đạt bình quân 2,93 triệu TEU/năm. Theo quy hoạch tổng thể, cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) và cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) sẽ là những trung tâm logistics lớn của cả khu vực.
Tuy nhiên, dù các tỉnh của vùng Đông Nam Bộ có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh, mạng lưới giao thông hiện đang là “điểm nghẽn” khiến khu vực này chưa khai thác được hết tiềm năng vốn có. Hầu như các địa phương của vùng đang đầu tư hạ tầng giao thông theo hướng phát triển trong nội bộ từng tỉnh, thành phố, chưa chú trọng phát triển mạng lưới giao thông liên kết vùng, kết nối các tỉnh – thành trong vùng…
CHỈ SỐ FDI
Tính đến cuối năm 2022, Đông Nam Bộ vẫn là chủ lực trong việc thu hút FDI.
Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh luôn là vùng đất quy tụ những nhà đầu tư lớn, với nguồn vốn đầu tư chảy vào mạnh mẽ qua từng năm.: Với 11.220 dự án FDI và tổng vốn đầu tư đăng ký lên đến 56.007 triệu USD, Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều dự án FDI nhất trong vùng Đông Nam Bộ. Nếu như trước đây, Thành phố chủ yếu thu hút đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, thương mại, bán buôn, bán lẻ (là các dự án không gắn với việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất), thì hiện nay, qua thống kê các dự án lớn được cấp phép trong những năm gần đây, có thể thấy đã có bước chuyển dịch mới. Đa số các dự án tiêu biểu đều đến từ các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản cũng như hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ và thông tin truyền thông. Đây là các lĩnh vực mà Thành phố đẩy mạnh công tác xúc tiến. Điều này chứng tỏ hiệu quả của những định hướng xúc tiến đầu tư thời gian qua cũng như nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo thêm quỹ đất sạch thu hút các dự án có giá trị lớn, theo đúng định hướng chú trọng vào chất lượng dự án hơn số lượng dự án.
Lũy kế đến hết 2022, Bình Dương đang đứng thứ 2 cả nước (sau TPHCM) về thu hút đầu tư nước ngoài, với 4.074 dự án được cấp phép còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,6 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước. Lĩnh vực đầu tư tập trung chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo với 3.541 dự án, tổng vốn đầu tư 29,16 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng số vốn đầu tư đăng ký. Kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,36 tỷ USD, chiếm 18,5%.
Đồng Nai hiện cũng là một trong 6 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Theo số liệu từ Cục Thống kê Đồng Nai, các dự án FDI chủ yếu đầu tư vào các khu công nghiệp xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc hiện đại để phục vụ cho sản xuất. Các doanh nghiệp mới đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất theo kế hoạch, tập trung ở một số lĩnh vực như: chăn nuôi, xơ sợi dệt, giày dép, sản xuất đồ gỗ.
Với nhiều lợi thế về cảng biển nước sâu, sự phát triển công nghiệp, du lịch cùng hạ tầng giao thông thuận lợi trong vùng kinh tế năng động của khu vực Đông Nam Bộ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang tạo dựng hình ảnh tốt về một vùng đất giàu tiềm năng và hứa hẹn cho các nhà đầu tư đến từ các nước. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu tiếp tục thu hút đầu tư có chọn lọc, chú trọng thu hút các dự án công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, tài nguyên và không xâm hại môi trường.
CHỈ SỐ HDI
HDI là Chỉ tiêu kinh tế – xã hội tổng hợp đo lường sự phát triển của con người trên 3 phương diện: Sức khỏe, giáo dục và thu nhập của quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa bàn địa phương của quốc gia, vùng lãnh thổ trong kỳ quan sát.
Theo số liệu thống kê năm 2020, xếp hạng chỉ số HDI của các tỉnh thuộc vùng ĐNB có 3/6 tỉnh lọt vào top 10 cả nước. Trong đó có Hồ Chí Minh xếp hạng 2.
Chỉ số sức khỏe
Phần lớn các địa phương vùng Đông Nam Bộ có tuổi thọ trung bình khoảng 76 và tăng qua các năm. Vùng Đông Nam Bộ cũng là vùng có tuổi thọ trung bình cao nhất Việt Nam. Trong đó, Hồ Chí Minh và Bà Rịa Vũng Tàu là 2 tỉnh có tuổi thọ cao nhất cả nước.
Chỉ số giáo dục
Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước, Vùng Đông Nam Bộ có 3/6 địa phương nằm trong top 20 địa phương có chỉ số giáo dục cao nhất cả nước là Hồ Chí Minh (thứ 4), Bà Rịa Vũng Tàu (thứ 19) và Đồng Nai (thứ 20).
Chỉ số thu nhập
GRDP bình quân đầu người của vùng Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước, đạt 159,7 triệu đồng, cao hơn mức bình quân của cả nước (95,6 triệu đồng). Điều này dẫn đến chỉ số thu nhập của vùng Đông Nam Bộ cũng cao nhất Việt Nam trong báo cáo HDI, với 4/6 tỉnh nằm trong top 10 các tỉnh có chỉ số thu nhập cao nhất là Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương và Đồng Nai
THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Trong 6 vùng kinh tế của Việt Nam, Đông Nam Bộ là vùng có thu ngân sách nhiều nhất cả nước. Cụ thể, số thu NSNN của vùng này năm 2022 đạt 738 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 38,22% thu ngân sách cả nước.
Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước và vùng Đông Nam Bộ về thu (NSNN). Năm 2022, thu ngân sách của Tp. HCM đạt hơn 471.562 tỷ đồng và tăng 23,6% so cùng kỳ, trong đó, thu nội địa khoảng 330.115 tỷ đồng; thu từ hoạt động XNK 141.434 tỷ đồng, tăng 25,2%. Theo Sở Tài chính, để đạt kết quả này, ngay từ đầu năm thành phố đã triển khai các chính sách hỗ trợ, nuôi dưỡng nguồn thu. Đồng thời, có nhiều giải pháp chống thất thu ngân sách, thanh kiểm tra có trọng tâm và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
TỔNG KHÁCH DU LỊCH
Đến cuối năm 2022, Đông Nam Bộ đón trên 52,8 triệu lượt khách du lịch và đạt doanh thu hơn 148.000 tỷ đồng. Du lịch góp phần tạo việc làm và sinh kế bền vững cho hàng chục nghìn người dân địa phương, đồng thời thúc đẩy phát triển nhiều ngành, lĩnh vực khác như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Hồ Chí Minh đứng đầu với 31 triệu lượt khách du lịch (tăng 234,1% so với cùng kỳ 2021) và doanh thu hơn 131.000 tỷ đồng (tăng 196,4% so với cùng kỳ 2021). Ngành du lịch của Thành phố này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ và ngày càng được khẳng định trên bản đồ thế giới với nhiều giải thưởng uy tín liên tiếp được trao trong năm 2022 như “Điểm đến du lịch kinh doanh hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch MICE hàng đầu châu Á” và “Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á” của Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA). TP Hồ Chí Minh là điểm đến du lịch nội địa được yêu thích nhất, hấp dẫn nhất khu vực trong mùa cao điểm hè. Gần đây nhất, TP Hồ Chí Minh là một trong hai thành phố của châu Á nằm trong top 15 các điểm đến được truy cập nhiều nhất trên thế giới cuối năm 2022.
Đứng thứ 2 là Bà Rịa Vũng Tàu với 12,6 triệu lượt khách du lịch và doanh thu hơn 13.000 tỷ đồng năm 2022. Thành tích này có được là nhờ sự phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cùng sự giữ gìn môi trường du lịch văn minh, an toàn và hấp dẫn của Bà Rịa Vũng Tàu năm 2022. Đường bờ biển dài hơn 300 km và hội tụ đủ các yếu tố như: sông, núi, biển, suối nước nóng, hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt…, Bà Rịa – Vũng Tàu rất thích hợp để phát triển hàng loạt các khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với các loại hình du lịch thể thao, tham quan, thu hút lượng lớn du khách trong nước và quốc tế.
Đứng thứ 3 là Tây Ninh với 4,5 triệu lượt khách và hơn 1,400 tỷ đồng doanh thu. Du lịch Tây Ninh những năm vừa qua đã có những đột phá, từng bước tạo được thương hiệu, thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nếu chỉ tập trung vào 2 điểm du lịch tâm linh là núi Bà Đen và Toà thánh Cao Đài Tây Ninh thì du lịch của tỉnh nhà có nguy cơ rơi vào lối mòn, dễ gây nhàm chán cho du khách. Tây Ninh còn nhiều điểm du lịch khác như Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, hồ Dầu Tiếng… rất có tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng để phát triển du lịch.
Các tỉnh khác có số liệu du lịch thấp hơn, thể hiện cần phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu hút khách du lịch. Các điểm tham quan lịch sử, di tích văn hóa và làng nghề truyền thống có thể trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách.
—————————————————————————————————-
Trên đây là những thông tin tổng quan về “Các chỉ số kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ” do Sen Vàng Group cung cấp. Hy vọng với những thông tin trên giúp chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp bất động sản có cái nhìn tổng quan về tình hình kinh tế của vùng. Ngoài ra để xem thêm các bài viết về vùng Đông Nam Bộ, anh chị, bạn đọc có thể truy cập trang web https://senvangdata.com.vn/. |
Xem thêm nội dung các bài viết liên quan R&D chính: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực R&D
Xem thêm báo cáo thị trường các tỉnh, thành vùng ĐNB: Báo cáo nghiên cứu thị trường tỉnh Tây Ninh
Khóa học R&D bạn không nên bỏ qua: https://nghiencuuphattrien.senvangdata.com/khoahock-2
Nguồn tổng hợp: Sen Vàng Group – BTV Hà Vy & Trần Trang
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.4859