FOMO là một hội chứng tâm lý mà những môi giới bất động sản sử dụng một cách rất triệt để trong các chiến dịch marketing của mình. Và cũng chính nó được lợi dụng để cò mồi giăng bẫy các nhà đầu tư.
Bẫy FOMO là gì?
FOMO là từ viết tắt của cụm từ Fear of missing out. Đây là hiệu ứng tâm lý của những người sợ bỏ lỡ cơ hội khi đứng ngoài trào lưu của đám đông. Chính nó cũng là nguyên nhân chính trong các vụ việc lừa đảo trong ngành BĐS trong thời gian qua.
Những người dễ mắc bẫy FOMO là những người chần chừ, thiếu tự tin và hay lắng nghe so sánh; thiếu quyết đoán và thường đưa ra quyết định theo sự thành công của người khác. Đây cũng là những đặc điểm để cò mồi đầu tư lợi dụng dụ dỗ bạn sập bẫy.
Quy trình giăng bẫy FOMO:
- Quảng cáo sai sự thật: Bạn có thể dễ dàng bắt gặp rất nhiều quảng cáo giả về các dự án với một sự hứa hẹn lãi khổng lồ trong thời gian ngắn. Ban đầu bạn có thể làm ngơ và nghĩ rằng làm gì có chuyện dễ dàng như thế. Nhưng tần suất quảng cáo ngày một tăng với mức độ hấp dẫn ngày một tăng lên khiến cho bạn từ không tin dần tò mò và để ý đến chúng.
- Tham quan dự án: Khi đã đủ tin tưởng thì việc liên hệ với môi giới và đặt lịch xem dự án là chuyện dễ hiểu. Lúc này, lại có một chiêu trò nữa được áp dụng đó là đánh tráo vị trí. Người đầu tư mua một dự án ở trung tâm thành phố nhưng nơi được đưa đến lại là một mảnh đất ở đẩu đâu là chuyện bình thường. Cò mồi vẫn sẽ trấn an bạn bằng những lời hứa hẹn đầy ngọt ngào.
- Chốt SALE mở bán: Đây cũng là lúc thử thách FOMO được đẩy lên cao trào nhất và cũng là lúc nhà đầu tư cần phải bình tĩnh nhất. Thời điểm đầu tiên sẽ là sân chơi của các “chim mồi”. Họ sẽ ồ ạt xuống tiền, tranh dành mua với những ưu đãi tặng xe, vàng, giảm giá,…Nó tạo ra một tâm lý sốt ruột, lo lắng cho các nhà đầu tư. Những nhà đầu tư thiếu bình tĩnh sẽ sập bẫy mà đặt cọc và khi bình tĩnh lại thì tiền đã trong tay của những tên buôn đất bất chính.
Từ những vụ việc
Những vụ sốt đất ở một số tỉnh thành như Bình Phước, Tp. Hồ Chí Minh,… trong thời gian qua cũng có kịch bản tương tự. “Bài đánh” đã không còn mới khi Alibaba đã rất nổi tiếng với chiêu lừa đảo này vào năm 2019 nhưng đến nay nó vẫn đủ mạnh khiến hàng ngàn người lao vào bẫy.
Trên thực tế, những kẻ lừa đảo còn có thể biến tướng và sử dụng tinh vi các chiêu trò khiến cho các nhà đầu tư rất khó nhận biết và dễ dàng sập bẫy. Nhưng không phải là không thể tránh khỏi.
Ta có thể kể ra một vài tips như sau:
Thận trọng với những cơn “sốt”:
Những kẻ lừa đảo thường sẽ thổi phồng nhu cầu những dự án lên gây ra những cơn “sốt đất” để tạo hiệu ứng FOMO. Các nhà đầu tư cần phải hết sức cẩn trọng với những chiêu trò thổi phồng này
Tích lũy kiến thức:
Phần lớn các nạn nhân của những vụ lừa đảo BĐS chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm đầu tư. Do đó, để giảm thiểu rủi ro thì các nhà đầu tư cần trang bị cho mình một nền tảng kiến thức tốt.
Học cách kiềm chế cảm xúc:
Đây là yếu tố tiên quyết giúp bạn tránh khỏi cái bẫy FOMO. Bản chất FOMO là một hội chứng tâm lý nên bạn cần học cách kiểm soát nó để bình tĩnh suy xét vấn đề.
FOMO là một tâm lý bình thường của mỗi người nhưng chúng ta cần phải giữ được sự bình tĩnh cần thiết để tránh kẻ gian lợi dụng nó như một công cụ để trục lợi cá nhân.