Bản tin quy hoạch vùng Trung du và Miền núi phía Bắc tháng 8/2022

Bản tin quy hoạch vùng là một trong những hạng mục mới được cập nhật hàng tháng và thực hiện bởi Sen Vàng Group. Nhằm giúp các quý độc giả cũng như các nhà đầu tư nắm rõ thông tin quy hoạch của các tỉnh. Trong tháng 8/2022 vừa qua, vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có rất nhiều điểm tin thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong lĩnh vực bất động sản. 

1. Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái

Theo thuyết minh quy hoạch, phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ diện tích tự nhiên huyện Mù Cang Chải (khoảng 120,096 ha), gồm một thị trấn và 13 xã. Về thời hạn lập quy hoạch, giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030, giai đoạn dài hạn đến năm 2050.

Mù Cang Chải – Yên Bái (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Quan điểm phát triển vùng là phát huy lợi thế, khai thác có hiệu quả điều kiện tự nhiên hiện có của địa phương nhằm định hướng phát triển vùng huyện Mù Cang Chải để làm cơ sở thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện; Đồng thời gắn phát triển kinh tế – xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái; cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; Xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư phát triển các công trình phúc lợi công cộng nâng cao đời sống người dân, chú trọng các vùng núi cao, vùng sâu còn nhiều khó khăn; Phát triển vùng theo hướng bền vững, thích ứng với các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu.

2. Sơn La: Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ sông Đà

Ngày 05/08/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La vừa ký Quyết định số 1549/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ sông Đà trên địa bàn tỉnh Sơn La thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050. Khái toán vốn đầu tư xây dựng đến năm 2050 khoảng 20,225.11 tỷ.

Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch là thuộc địa giới hành chính các huyện, có tổng diện tích tự nhiên khoảng 575,459.55ha. Đây sẽ là vùng sản xuất năng lượng điện, vùng kinh tế nông, lâm, thủy sản hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu, vùng du lịch khám phá và nghỉ dưỡng mới lạ, sáng tạo hấp dẫn của miền Bắc; là vùng bảo tồn và dự trữ đa dạng sinh học, phòng chống thiên tai quan trọng hàng đầu của Bắc bộ gắn với thượng nguồn sông Đà, có vị thế quan trọng về chính trị, an ninh quốc phòng.

 

Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện dọc lòng hồ sông Đà (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Về quy mô dân số, theo Quyết định số 1549, dự kiến đến năm 2030, toàn vùng có khoảng 488,311 người (tốc độ tăng dân số trung bình giai đoạn 2021 – 2030 là khoảng 1,13%) đến năm 2050 toàn vùng khoảng 602,910 người với tốc độ tăng dân số trung bình khoảng 1.06%; dự báo diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 1,460ha, bình quân 295.2m2/người.

3. Quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc – Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng

Theo Quyết định, phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc – Phia Đén gồm địa phận 4 đơn vị hành chính là thị trấn Tĩnh Túc, xã Phan Thanh, xã Thành Công, xã Quang Thành thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.

Về tính chất, Phia Oắc – Phia Đén là vùng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao của tỉnh; là hạt nhân phát triển du lịch, dịch vụ về phía tây của tỉnh Cao Bằng; là trung tâm sản xuất các sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp chất lượng cao; là trung tâm dịch vụ chất lượng cao về nghiên cứu, đào tạo.

Quy hoạch xây dựng vùng Phia Oắc – Phia Đén, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Đồ án quy hoạch nhằm triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh về phê duyệt tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng Phia Oắc – Phia Đén đến năm 2020; đưa định hướng phát triển vùng Phia Oắc – Phia Đén trở thành vùng du lịch của tỉnh và hướng tới tầm cỡ của Quốc gia; là cơ sở để thu hút đầu tư xây dựng, các quy hoạch trong vùng du lịch Phia Oắc – Phia Đén; tạo tiền đề để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch; làm cơ sở quản lý đầu tư, xây dựng và bảo tồn; xác lập cơ sở pháp lý về quản lý xây dựng theo quy hoạch.

4. Lai Châu đề xuất xây sân bay theo hình thức PPP

UBND tỉnh Lai Châu vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP và giao cho tỉnh này làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền để triển khai thực hiện dự án.

Lai Châu đề xuất xây sân bay theo hình thức PPP (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Địa phương cho biết sân bay Lai Châu đã được Thủ tướng xác định trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không vào tháng 2/2018. Cụ thể, sân bay này được định hướng đến giai đoạn 2030 là sân bay dân dụng cấp 3C và sân bay quân sự cấp III; công suất 0.5 triệu hành khách /năm; diện tích sử dụng đất là 167 ha, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 8,000 tỷ đồng, địa điểm đầu tư tại thị trấn Tân Uyên, tỉnh Lai Châu.

Tỉnh đã chủ động ưu tiên nguồn lực địa phương thực hiện công tác quy hoạch sử dụng đất và giải phóng mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đầu tư xây dựng sân bay. Theo UBND tỉnh Lai Châu, hiện nay có một số nhà đầu tư đang quan tâm nghiên cứu đầu tư xây dựng Cảng hàng không Lai Châu theo hình thức PPP.

5. Chờ Trung Quốc phản hồi về đề xuất kết nối đường sắt Lào Cai – Vân Nam

Cử tri tỉnh Lào Cai mới đây đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm phê duyệt chủ trương đầu tư, tiếp tục phối hợp với phía Trung Quốc để đàm phán ký kết hiệp định và nghị định thư trong việc triển khai dự án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai (tỉnh Lào Cai, Việt Nam) với ga Hà Khẩu Bắc (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc). 

 

Đề xuất kết nối đường sắt Lào Cai – Vân Nam (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Trả lời vấn đề này, Bộ cho biết thời gian qua đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với các bộ, ngành và UBND tỉnh Lào Cai chủ động xúc tiến nghiên cứu về phương án kết nối đường sắt giữa ga Lào Cai và ga Hà Khẩu Bắc, đã làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc để trao đổi thống nhất phương án kết nối. 

Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức của phía Trung Quốc đối với đề xuất của phía Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng của phía Trung Quốc để nước này sớm có phản hồi chính thức về phương án kết nối.

6. Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: 4 cực tăng trưởng, 4 hành lang phát triển

UBND tỉnh Điện Biên đã triển khai lập Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang triển khai lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quy hoạch để hoàn thiện nội dung quy hoạch tỉnh, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. 

Theo nội dung quy hoạch, UBND tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu đến năm 2025, tỉnh sẽ đẩy mạnh đổi mới toàn diện, tạo đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị đồng bộ theo hướng hiện đại, khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc. 

Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 – 2030 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Bên cạnh đó, Quy hoạch tỉnh đề xuất định hướng tổ chức không gian phát triển tỉnh Điện Biên với 3 vùng phát triển kinh tế. Vùng kinh tế I (vùng kinh tế động lực) sẽ phát triển đa dạng các lĩnh vực. Vùng kinh tế II tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch. Vùng kinh tế III tập trung phát triển nông lâm nghiệp và thuỷ sản, du lịch thương mại dịch vụ. 

4 cực tăng trưởng chính là thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, thị trấn Tuần Giáo và thị trấn Mường Nhé. 4 hành lang phát triển bao gồm: trục kinh tế động lực theo Quốc lộ 279, tuyến cao tốc Điện Biên – Sơn La – Hà Nội, gắn với cảng hàng không Điện Biên Phủ; trục phát triển kinh tế dọc theo Quốc lộ 12; trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo Quốc lộ 6 và trục phát triển kinh tế phát triển dọc theo Quốc lộ 4H kết nối với vùng phía Tây của tỉnh.

7. Lạng Sơn duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đồng Mỏ

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa ban hành Quyết định số 1319/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2035, tỷ lệ 1/5,000. Theo quy hoạch, phạm vi ranh giới lập quy hoạch tại thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Lạng Sơn duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đồng Mỏ (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Mục tiêu của quy hoạch là cụ thể hóa phát triển kinh tế – xã hội của huyện Chi Lăng. Hoàn thành, củng cố vững chắc các tiêu chí đô thị loại V, tạo tiền đề nâng loại đô thị thị trấn Đồng Mỏ đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV trong tương lai. Đây sẽ là nơi tổ chức không gian đô thị phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay cũng như định hướng phát triển kinh tế trong tương lai.

Quy hoạch cũng làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý quy hoạch xây dựng đô thị; lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị; phòng ngừa, ngăn chặn, giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an sinh xã hội của quá trình phát triển đô thị; đảm bảo an ninh quốc phòng với phát triển kinh tế – xã hội.

8. Võ Nhai (Thái Nguyên): Lập quy hoạch chung đô thị mới La Hiên đến năm 2035

Trước đó, để đẩy nhanh phát triển kinh tế – xã hội của huyện Võ Nhai nói chung và của cả xã La Hiên nói riêng, Ban Thường vụ Huyện Ủy Võ Nhai đã có Thông báo số 273-TB/HU về việc lập điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Đình Cả và lập quy hoạch chung đô thị mới La Hiên giai đoạn 2021 – 2035.

Lập quy hoạch chung đô thị mới La Hiên đến năm 2035 (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Theo đó, đô thị mới quy hoạch được chia làm 3 khu vực phát triển gắn với 3 cực phát triển, mỗi khu vực có một tính chất riêng và được phân cách bởi các trục giao thông chính và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Vị trí của La Hiên là đầu mối giao thông quan trọng là đô thị phía Tây của huyện Võ Nhai với nhiệm vụ tập trung phát triển lâm, nông nghiệp, công nghiệp chế biến lâm sản, nông sản thực phẩm, công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng, du lịch truyền thống, dịch vụ.

Việc lập Quy hoạch chung đô thị mới La Hiên giai đoạn 2021 – 2035 là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, không những cụ thể hoá các chủ trương, chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch vùng huyện mà còn là cơ sở pháp lý để lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, quản lý xây dựng và phát triển đô thị theo quy hoạch.

9. Bắc Giang duyệt quy hoạch phân khu công nghiệp Yên Lư rộng 204 ha

UBND tỉnh Bắc Giang vừa ban hành Quyết định phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2,000 Khu công nghiệp Yên Lư (phần mở rộng) tại huyện Yên Dũng.

Bắc Giang duyệt quy hoạch phân khu KCN Yên Lư (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Theo đó, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc địa giới hành chính của xã Yên Lư, huyện Yên Dũng. Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 204ha. khu công nghiệp Yên Lư có tính chất là khu công nghiệp tập trung, đa ngành, chủ yếu là công nghiệp chế biến, chế tạo, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và hiện đại, công nghệ kỹ thuật cao, thân thiện môi trường.

Các hạng mục cần đầu tư xây dựng bao gồm: Công trình hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông nội bộ, bãi đỗ xe, cấp nước, thoát nước, cấp điện, chiếu sáng, thông tin liên lạc, ga rác, trạm xử lý nước thải…; công trình như văn phòng, thương mại dịch vụ, nhà xưởng sản xuất… Thời gian hoàn thành lập đồ án không quá 9 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt.

Quý độc giả vui lòng tham khảo:

Bản tin quy hoạch vùng Đông Nam Bộ tháng 8/2022 

Bản tin Chuyển động Bất động sản Việt Nam Tháng 8/2022

Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Quang Linh