Bản tin quy hoạch vùng là hạng mục mới được tổng hợp bởi Sen Vàng Group và được cập nhật định kỳ hàng tháng. Nhằm giúp quý độc giả cũng như các nhà đầu tư trang bị kiến thức và nắm bắt thông tin quy hoạch của các vùng để đưa ra những chiến lược đầu tư hiệu quả.
Trong thời gian qua, có rất nhiều thông tin quy hoạch ảnh hưởng trực tiếp đến vùng và thị trường bất động sản… Hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật trong Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung trong tháng 8/2022 vừa qua.
1. Quy hoạch khu đô thị mới Cam Lâm trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa
Ngày 17/8/2022, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về phương án quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045. Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, khu vực lập quy hoạch đô thị mới Cam Lâm có tổng diện tích 54,660 ha, chia làm 7 phân khu.
Cụ thể, khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (3,545 ha); Khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp (6,504 ha); Khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế (6,550 ha); đô thị trung tâm (5,680 ha); Khu vui chơi giải trí quốc tế (8,490 ha); Khu dân cư, du lịch sinh thái (12,020); phân khu ở sinh thái, nghỉ dưỡng Hòn Bà (11,871 ha).
Cam Lâm – Khánh Hòa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Mục tiêu của việc lập quy hoạch nhằm phát triển thành phố thông minh – sinh thái – bền vững, kết hợp với hệ sinh thái đầm Thủy Triều, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh, vùng vịnh Nha Trang. Đồng thời, phát triển đô thị sân bay kết hợp trung tâm tài chính – trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu. Quy hoạch còn có mục tiêu xây dựng trung tâm vui chơi giải trí và mua sắm hàng đầu thế giới, phát triển khu thiên đường nghỉ dưỡng… thu hút cư dân đa quốc gia đến sinh sống, làm việc, học tập và du khách quốc tế; nhằm xây dựng đô thị mới Cam Lâm trở thành vùng động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa.
2. Bình Định: Duyệt quy hoạch khu đô thị du lịch An Quang
Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị và du lịch An Quang thuộc huyện Phù Cát.
Theo đó, dự án có diện tích khoảng 89.2ha. Về phạm vi, ranh giới, phía Bắc dự án giáp Khu tái định cư An Quang, phía Nam giáp đường quy hoạch rộng 16m, phía Đông giáp biển còn phía Tây giáp khu dân cư hiện trạng.
Khu đô thị du lịch An Quang vừa được duyệt quy hoạch ở Bình Định (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Về tính chất và mục tiêu quy hoạch nhằm cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 khu vực phía Nam đầm Đề Gi, huyện Phù Cát đến năm 2035 được duyệt; là khu đô thị, du lịch, dịch vụ và quảng trường biển được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội phục vụ cho khu đô thị và các khu vực xung quanh.
Theo quy hoạch, dự án gồm hai tiểu khu, trong đó, tiểu khu đô thị nằm phía Tây đường Ven biển Quốc gia, có diện tích khoảng 48.5ha. Trong đó, 44.23% diện tích là đất xây dựng nhà ở, tương đương với 21.5 ha với dân số khoảng 7,700 người. Tiểu khu thứ hai là tiểu khu du lịch với diện tích khoảng 40.7ha, chiếm chủ yếu là đất xây dựng công trình dịch vụ du lịch có lưu trú (40.25%), đất giao thông, hạ tầng kỹ thuật (29.39%) và đất cây xanh (21.15%).
Các chỉ tiêu quy hoạch – kiến trúc tại tiểu khu này gồm khoảng 12,600 du khách lưu trú tiểu khu du lịch; đất xây dựng công trình dịch vụ du lịch có lưu trú, với tầng cao xây dựng tối đa 15 tầng; đất xây dựng công trình thương mại, dịch vụ có tầng cao xây dựng tối đa 3 tầng; đất xây dựng công trình dịch vụ công cộng có tầng cao xây dựng tối đa là 5 tầng.
3. Phú Yên: Đề xuất quy hoạch khu vực hơn 22,000ha phát triển đô thị dọc sông Ba
UBND tỉnh Phú Yên vừa tổ chức cuộc họp để nghe đơn vị tư vấn báo cáo đề xuất khu vực phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Ba.
Theo khái quát của đơn vị tư vấn, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch rộng hơn 61,393ha (614 km2), trong đó, khu vực được đề xuất phát triển đô thị rộng hơn 22,000 ha, bao gồm khu vực phát triển đô thị mới rộng hơn 8,400ha, khu vực cải tạo đô thị rộng hơn 8,000ha và khu vực có chức năng chuyên biệt rộng hơn 5,800ha.
Thành phố Tuy Hòa (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Trong các khu vực này, đơn vị tư vấn quy hoạch đề xuất ý tưởng đầu tư xây dựng nhiều công trình mang điểm nhấn như: các đảo, cầu biểu tượng, du lịch sinh thái; trung tâm phục hồi sức khỏe; khu bảo tồn động vật hoang dã; biệt thự sân golf…Các ý tưởng đề xuất khu vực đô thị dọc hai bên bờ sông Ba với các hoạt động trải nghiệm gắn liền với yếu tố sông nước, đồng thời vẫn bảo tồn và phát triển các giá trị đặc trưng tại khu vực này.
Góp ý tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản đánh giá cao các ý tưởng đề xuất phát triển đô thị dọc hai bên bờ sông Ba của đơn vị tài trợ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến còn quan tâm đến vấn đề thủy văn, vì hàng năm, lưu lượng nước đổ ra sông Ba rất lớn, do vậy đơn vị tư vấn cần nghiên cứu kỹ bản đồ ngập lụt, có tính toán giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng ngập úng các khu dân cư hiện hữu trong khu vực.
4. Bộ TN&MT làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận về dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia
Sáng 17/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự thảo Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch không gian biển quốc gia (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, Quy hoạch không gian biển là 1 trong 3 quy hoạch cấp quốc gia theo Luật Quy hoạch. Đây là quy hoạch đa ngành; phân định, sắp xếp không gian biển hợp lý cho các ngành, lĩnh vực khác nhau trên cơ sở tích hợp các quy hoạch ngành liên quan đến biển; định hướng, thiết lập phương án sử dụng không gian biển, giải quyết các chồng lấn, mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng tài nguyên, không gian biển, phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Theo đó, Dự thảo được lập trên cơ sở sử dụng tối đa thông tin, dữ liệu hiện có, thiết kế theo hướng mở và sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển của đất nước. Quy hoạch dựa trên quan điểm xuyên suốt là phân vùng không gian biển dựa vào hệ sinh thái, tạo cơ sở và không gian liên thông cho phát triển kinh tế – xã hội, kết nối đất liền với biển, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
5. Sáp nhập thị xã Cửa Lò và một phần huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh
Ngày 9/8, Hội nghị lấy ý kiến vào dự thảo đề án mở rộng địa giới và không gian đô thị thành phố Vinh do Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An tổ chức đã thống nhất phương án nhập thị xã Cửa Lò và 6 xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh.
Trình bày tại hội nghị có ba phương án điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Vinh. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cơ bản thống nhất lựa chọn phương án lấy 5 xã huyện Nghi Lộc (Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái) và thị xã Cửa Lò vào thành phố Vinh.
Một góc thành phố Vinh (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Sau khi mở rộng, diện tích tự nhiên của thành phố Vinh hơn 173 km2 (đạt 115.59%), dân số trên 452,000 người, thành lập thêm một số phường từ các xã. Tuy nhiên, trên cơ sở phân tích địa bàn, không gian phát triển, ý kiến các đại biểu thống nhất sẽ bổ sung xã Khánh Hợp của huyện Nghi Lộc về thành phố Vinh.
Theo quyết định số 52 của Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn 2050, vùng nghiên cứu phát triển thành phố Vinh có diện tích khoảng 250 km2, bao gồm toàn bộ thành phố Vinh, toàn bộ thị xã Cửa Lò, một phần huyện Hưng Nguyên và huyện Nghi Lộc.
6. Gần 1,200 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Vinh – Nha Trang
Bộ GTVT vừa phê duyệt dự án cải tạo, nâng cấp đoạn Vinh – Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – Thành phố HCM với tổng chiều dài dự án hơn 995.7 km.
Dự án gồm các hạng mục: Cải tạo các cầu yếu; cải tạo kiến trúc tầng trên, sửa chữa nền đường yếu một số đoạn; cải tạo bình diện các vị trí có bán kính đường cong và một số hạng mục công trình đồng bộ (cống thoát nước); cải tạo, nâng cấp một số ga hành khách và hàng hóa.
Gần 1,200 tỷ đồng nâng cấp đường sắt Vinh – Nha Trang (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Dự án có tổng mức đầu tư gần 1,200 tỷ đồng, thực hiện trong 3 năm (2022 – 2025). Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh – Nha Trang thuộc gói 7,000 tỷ vốn trung hạn 2016 – 2020.
7. Dự kiến khởi công sân bay Quảng Trị vào quý I năm sau
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, dự án cảng hàng không tỉnh này đang vào giai đoạn sắp thống nhất để thông qua báo cáo khả thi. Hồ sơ Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án do CTCP Tập đoàn T&T lập đã hoàn thiện theo ý kiến tham gia của các sở, ban ngành, địa phương.
UBND tỉnh cũng đã có tờ trình gửi HĐND tỉnh đề nghị ban hành Nghị quyết cho ý kiến về tác động của việc thực hiện dự án.
Phối cảnh sân bay Quảng Trị (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng khẳng định tầm quan trọng của cảng hàng không đối với sự phát triển chung của tỉnh, lưu ý trong quá trình thực hiện dự án cần quan tâm đến yếu tố tạo sự khác biệt nhằm thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, quan trọng nhất là khâu quy hoạch, cần rà soát tổng thể quy hoạch để nhà đầu tư thấy có lợi khi triển khai dự án.
Về tiến độ, Bí thư tỉnh này cho biết đã thống nhất trong tháng 8/2022 sẽ thông qua báo cáo khả thi và phấn đấu trong quý I/2023 khởi công dự án.
8. Thanh Hóa: Thống nhất điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045.
Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa thống nhất nội dung đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2045. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để xác định mục tiêu, định hướng phát triển thị xã cho phù hợp.
Một góc thị xã Bỉm Sơn (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Bên cạnh đó, các nội dung điều chỉnh phải báo cáo rõ phạm vi, mức độ, nội dung điều chỉnh; nguyên nhân, lý do dẫn đến việc điều chỉnh; đánh giá các tác động của việc điều chỉnh; đồng thời, việc nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phải gắn với dự kiến sáp nhập thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung để thành lập thị xã mới trong tương lai.
UBND thị xã Bỉm Sơn căn cứ nội dung, yêu cầu trên, chỉ đạo đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, thống nhất trước khi báo cáo Bộ.
9. Bình Định quy hoạch xã đảo Nhơn Châu theo hướng phát triển du lịch sinh thái biển đảo
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số 2588/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5,000 xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn đến năm 2035.
Theo đó, đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5,000 xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn đến năm 2035 bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên xã Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, các mặt tiếp giáp biển Đông.
Bình Định quy hoạch xã đảo Nhơn Châu (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)
Phạm vi quy hoạch có tổng quy mô diện tích đất liền khoảng 352ha và vùng mặt nước ven đảo gắn bảo tồn, tôn tạo hệ sinh thái tự nhiên. Mục tiêu, tính chất quy hoạch xác định phát triển xã đảo Nhơn Châu gắn liền công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo Tổ quốc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân…
Trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái biển đảo (du lịch bền vững, du lịch bảo vệ thiên nhiên, du lịch văn hóa cộng đồng) trên cơ sở bảo tồn, phát huy và tôn tạo các giá trị thiên nhiên, văn hóa vốn có của đảo. Quy hoạch sẽ tập trung với 3 nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế biển gắn với nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản, phát triển du lịch và giữ vững quốc phòng – an ninh cho xã đảo tiền tiêu của tỉnh.
Quý độc giả vui lòng tham khảo:
Bản tin quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng tháng 8/2022 tại đây.
Bản tin quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long tháng 8/2022
Nguồn: Sen Vàng tổng hợp – BTV Quang Linh