Bản tin quy hoạch vùng Đông Nam Bộ T9/2022

Bản tin quy hoạch là một hạng mục mới do Sen Vàng Group thực hiện hàng tháng nhằm giúp độc giả có thể cập nhật những thông tin mới nhất về quy hoạch tại các vùng kinh tế.  Sau đây, hãy cùng Sen Vàng Group điểm lại những tin chính nổi bật trong Quy hoạch vùng trong tháng 9 vừa qua.  

1. Đồng Nai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2,000 Khu công nghiệp Amata mở rộng

Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2,000 khu công nghiệp Amata mở rộng, TP. Biên Hòa.

Khu công nghiệp Amata hiện hữu có diện tích khoảng 513ha, khu vực đề xuất mở rộng dự kiến có diện tích 27.2ha về phía Đông Bắc của khu công nghiệp. Với cơ cấu sử dụng đất gồm 18.5ha đất công nghiệp; 5.4ha đất cây xanh; 3.3ha đất giao thông, bến bãi.

Sau khi mở rộng, Khu công nghiệp Amata có diện tích hơn 540ha. Trong đó, đất công nghiệp cho thuê khoảng hơn 362ha còn lại là đất làm hạ tầng kỹ thuật, trồng cây xanh…

Một góc của khu công nghiệp Amata (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

2. Bình Dương tìm địa điểm xây Khu liên hợp Công nghiệp Thể thao 200ha

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã báo cáo tóm tắt công năng, quy mô đầu tư Khu Liên hợp Công nghiệp Thể thao Bình Dương và tình hình lập danh mục các công trình văn hoá, thể thao, khu liên hợp đưa vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Khu liên hợp Công nghiệp Thể thao tỉnh Bình Dương (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Khu liên hợp có quy mô dự kiến từ 200 ha, chia làm 4 phân khu: Sân vận động trung tâm, Nhà thi đấu Thể dục thể thao đa năng, Khu thi đấu thể thao dưới nước, Khu dịch vụ thể thao và các công trình khác. 

Trong thiết kế sẽ bao gồm các hạng mục như công trình sân vận động trung tâm có sức chứa 50,000 – 60,000 chỗ, đạt tiêu chuẩn tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao quốc gia và quốc tế; phục vụ thường xuyên các hoạt động văn hoá thể thao học đường, nhà máy, Khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, Khu liên hợp này còn có cụm nhà thi đấu thể dục thể thao đa năng với diện tích 40ha (sức chứa 5,000 chỗ ngồi) cùng các nhà thi đấu quy mô nhỏ hơn, nhà tập thể dục thể thao đa môn, khu thể thao dưới nước…

3. Quy mô, vị trí 9 dự án nhà ở xã hội vừa công bố tại Bình Phước

Trong năm 2022, tỉnh Bình Phước thực hiện xúc tiến đầu tư nhà ở xã hội đối với 9 dự án. Trong đó có 6 dự án nhà ở xã hội cho công nhân, tập trung ở Đồng Xoài, Đồng Phú, Chơn Thành và 3 dự án nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20%.

Các dự án được thực hiện ở các khu đất giáp với các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa thể thao và khu dân cư lớn của tỉnh, với quy mô từ 1 đến hơn 21ha. Nhà ở trong các dự án được thiết kế để hiện đại, tiện nghi có diện tích khoảng từ 30 – 70m2. Số lượng căn hộ được xây dựng phù hợp với quy mô dân số của từng dự án.

Dãy nhà ở xã hội tại tỉnh Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Một vài thông tin cụ thể của một số dự án như sau:

Nhà ở xã hội thuộc đồ án quy hoạch Khu dân cư Thanh Bình xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản và phường Hưng Chiến, thị xã Bình Long có quy mô khoảng 3.28ha. Số lượng căn hộ: 400 căn hộ, quy mô dân số khoảng 1,200 người.

Thiết chế công đoàn KCN huyện Chơn Thành có quy mô khoảng 1ha. Loại hình sản phẩm: Nhà liền kề số tầng 2-3 tầng, Căn hộ là các tòa nhà cao tầng 12 tầng, diện tích căn hộ từ 30-70 m2. Số lượng căn hộ 1,176 căn hộ, quy mô dân số khoảng 3,880 người.

4. Bộ Giao thông Vận tải chưa đồng thuận phương án mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh – Long Thành

Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản gửi Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây do đơn vị này đề xuất.

Theo đó, Bộ GTVT cho biết, việc VEC đề xuất đầu tư với quy mô 8 làn xe (đoạn từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu) là chưa phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ GTVT đề nghị VEC nghiên cứu lại và báo cáo về các tuyến giao thông kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành và phương án tổ chức giao thông của các nút giao trong khu vực. Riêng cầu Long Thành, đề nghị VEC nghiên cứu phương án xây dựng cầu mới với quy mô tương tự giai đoạn 1 và tổ chức phân làn giao thông cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đề nghị VEC bổ sung các phương án đầu tư như: đầu tư công, đầu tư theo phương thức PPP (hợp tác công tư), đầu tư theo phương thức nhượng quyền để so sánh ưu nhược điểm của 5 phương án.

Tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

5. Dự kiến khởi công cầu Phước An gần 4.900 tỷ đồng vào tháng 12

Ngày 21/9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã họp với các sở ngành, huyện Nhơn Trạch để thẩm định hồ sơ chuyển mục đích sử dụng rừng thực hiện dự án cầu Phước An. Dự kiến vào tháng 12/2022, cầu Phước An sẽ được khởi công xây dựng và thời gian thực hiện khoảng 5 năm.

Dự án thuộc nhóm A có tổng mức đầu tư 4,879 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh và ngân sách trung ương hỗ trợ. Dự án đi qua hai địa bàn là thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với tổng chiều dài 4.3km.

Cầu được thiết kế với phần cầu dẫn có chiều rộng 23.5m; cầu chính rộng 25m, gồm 4 làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ. Nhịp chính của cầu dài 250m có thể cho phép tàu 3,000 tấn lưu thông qua phía dưới.

Thiết kế cầu Phước An (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm kết nối giao thông của tỉnh Đồng Nai với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận, giúp cho vận chuyển hàng hóa thuận lợi, nhanh chóng hơn. Hơn nữa, giúp tạo điều kiện phát triển kinh tế – xã hội hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, khu vực miền Tây và giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên quốc lộ 51.

6. Huyện Bình Chánh đề xuất thu hồi 52 dự án treo hàng chục năm do thiếu vốn, chậm bồi thường

Sáng 21/9, Đoàn giám sát Ban đô thị HĐND TP Hồ Chí Minh đã giám sát công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án đã có Nghị quyết của HĐND TP Hồ Chí Minh tại huyện Bình Chánh.

Theo báo cáo, tổng số dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng đã được thông qua từ năm 2015 đến nay trên địa bàn huyện Bình Chánh là 244, trong đó 71 dự án hoàn thành (đạt tỉ lệ 29%); 121 dự án đang thực hiện (chiếm gần 50%). Số dự án quá ba năm chưa thực hiện đã loại khỏi kế hoạch sử dụng đất hàng năm là 52 dự án (chiếm tỉ lệ 21%).

Một khu đô thị thuộc huyện Bình Chánh (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Hiện tại, huyện có 10 dự án cần thu hồi và có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha đã được HĐND TP thông qua, với diện tích thu hồi trên 543ha, trong đó thu hồi đất lúa trên 308ha và ba dự án đang triển khai thực hiện trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2021; 7/10 dự án chưa triển khai thực hiện đã loại bỏ khỏi Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện.

Thêm vào đó, huyện Bình Chánh còn đề xuất thu hồi 52 dự án. Đây đều là những dự án có quy mô diện tích lớn, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân và đã có thời gian triển khai hàng chục năm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện bồi thường hoặc bồi thường dang dở, có những dự án kéo dài hơn 20 năm đã làm ảnh hưởng rất lớn đến người dân trong khu vực dự án.

7. Bình Dương rót thêm 4,266 tỷ cho vành đai 3

Ngày 14/9, UBND tỉnh Bình Dương vừa có văn bản về việc giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 –  2025. ​Theo đó, giao bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương (vốn trong nước) giai đoạn 2021 – 2025 là 4,266 tỷ đồng cho 2 dự án thành phần thuộc dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Hai dự án thành phần được bổ sung thêm gồm dự án thành phần 5 – Xây dựng đường vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương (bao gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi) là 1,266 tỷ đồng và dự án thành phần 6 – Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đường Vành đai 3 đoạn qua tỉnh Bình Dương là 3,000 tỷ đồng.

Một góc của thành phố Bình Phước (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

8. Giảm gần 460 tỷ đồng vốn đầu tư dự án thành phần 3 sân bay Long Thành

Sân bay Long Thành có 4 dự án thành phần; trong đó, dự án thành phần 3 có vốn đầu tư lớn nhất, gồm nhiều phần việc như: san nền, thoát nước, móng cọc, xây dựng nhà ga hành khách, đường cất, hạ cánh, sân đỗ máy bay.

Ngày 20/9, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết thiết kế cơ sở các hạng mục của dự án thành phần 3 do ACV phê duyệt có tổng mức đầu tư khoảng 98,500 tỷ đồng, giảm gần 460 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định 1777. Các nội dung khác so với Quyết định 1777 không thay đổi.

Từ đầu năm nay, ACV bắt đầu triển khai dự án thành phần 3 với các hạng mục san nền, thoát nước và đã hoàn thành móng cọc nhà ga hành khách. Dự kiến, tháng 10/2022, ACV khởi công hạng mục quan trọng nhất là phần thân nhà ga hành khách; cuối năm 2022 xây dựng đường cất, hạ cánh, sân đỗ máy bay.

Mô hình phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành  (Nguồn: Sen Vàng tổng hợp)

Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Thanh Hoạt

Thông tin liên hệ: 

Website: https://senvangacademy.com/ 

Hotline: 0948.48.48.59