Top 10 thông tin quy hoạch tác động đến thị trường bất động sản

 

Trong năm 2020 vừa qua, bên cạnh cách chính sách pháp lý, các quy định pháp luật, … thì các thông tin về quy hoạch cũng có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản Việt Nam. Có rất nhiều các quyết định phê duyệt quy hoạch được đưa ra để phục vụ cho thị trường bất động sản.

 

 

 1. Miền Bắc có thêm trung tâm công nghiệp giải trí có casino

 

Ký quyết định số 226/QĐ-TTg, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040.

 

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành

 

Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành

 

Theo quyết định, khu vực nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích 2.171,33km2, gồm toàn bộ diện tích tự nhiên của huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có 581,83km2 là diện tích tự nhiên và 1.589,5km2 là diện tích vùng biển.

 

Vân Đồn được quy hoạch trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, dịch vụ tổng hợp, du lịch biển đảo cấp cao. Định hướng phát triển Vân Đồn thành đô thị biển đảo xanh, bền vững, hiện đại, thông minh và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng. Đây sẽ là cửa ngõ giao thương quốc tế, cung cấp những sản phẩm khác biệt, độc đáo, có thương hiệu, chất lượng cao, cạnh tranh quốc tế.

 

Dự báo, dân số tại Vân Đồn đến năm 2030 vào khoảng 140.000-200.000 người với 90.000-140.000 người là dân thường trú. Nhu cầu sử dụng đất khu chức năng đến năm 2040 là 12.050ha, trong khi con số này năm 2030 là khoảng 5.500ha.

 

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, UBND tỉnh Quảng Ninh có nhiệm vụ chủ trì và cùng với Bộ Xây dựng rà soát điều chỉnh quy hoạch. Đồng thời cần có kế hoạch về nhân lực, nguồn lực tài chính, chính sách để thực hiện các dự án hạ tầng kỹ thuật tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của Quảng Ninh.

 

 2. TP.HCM: Điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc hơn 6.000ha

 

Các khu dân cư hiện hữu sẽ được chỉnh trang, tránh làm cuộc sống người dân bị xáo trộn. Đối với những khu ở mới, các công trình cao tầng được ưu tiên bố trí dọc các trục giao thông chính…

Tổng diện tích điều chỉnh khu đô thị Tây Bắc là hơn 6.000ha

 

Tổng diện tích điều chỉnh khu đô thị Tây Bắc là hơn 6.000ha

 

Đồng ý với đề xuất của Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM, UBND TP. HCM vừa phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch phân khu Khu đô thị Tây Bắc TP.HCM tỷ lệ 1/5.000 (điều chỉnh).

 

Theo quyết định phê duyệt, tổng diện tích điều chỉnh khu đô thị Tây Bắc là hơn 6.000ha. Khu vực điều chỉnh gồm: xã Tân Thới Nhì (huyện Hóc Môn); các xã Phước Hiệp, Tân An Hội, Tân Thông Hội, Tân Phú Trung và thị trấn Củ Chi (huyện Củ Chi) được giới hạn bởi quốc lộ 22, kênh Thầy Cai, kênh An Hạ, Khu Liên hiệp Xử lý chất thải rắn Tây Bắc.

 

Theo quy hoạch, các khu dân cư hiện hữu sẽ được chỉnh trang theo hướng tránh làm cuộc sống của cư dân bị xáo trộn. Quỹ đất trống, hoang hóa sẽ được tận dụng để phân bổ diện tích cây xanh và sân thể thao cho các khu dân cư. Ngoài việc đền bù, giải phóng mặt bằng, cơ quan chức năng cần khuyến khích người dân đồng thuận đầu tư những dự án chỉnh trang đô thị. Khu dân cư chỉnh trang đa phần là nhà ở thấp tầng. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí tái định cư tại chỗ đối với các khu vực tái thiết đô thị. Tại các khu vực đầu mối metro, dọc các tuyến giao thông chính…, có thể tổ chức mô hình nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ cao tầng.

 

Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM chỉ đạo, việc chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu cần nghiên cứu những ý kiến của UBND huyện Củ Chi và người dân, nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Tây Bắc.

 

Đối với những khu ở mới, các công trình cao tầng được ưu tiên bố trí dọc các trục giao thông chính như dọc tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương – Củ Chi), trục song hành quốc lộ 22… Càng về phía sau, không gian kiến trúc sẽ thấp dần. Việc quy hoạch sẽ theo hướng hiện đại, có đầy đủ chức năng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Các khu vực trung tâm khu đô thị, nhà ga của tuyến metro số 2 sẽ bố trí cụm công trình có chức năng dịch vụ, thương mại (cao tầng).

 

Tận dụng ưu thế về địa hình sông nước, khu vực tiếp giáp kênh Đông và các kênh 5, 6, 7, 8 sẽ phát triển mô hình nhà vườn với mật độ xây dựng thấp. Chiều cao các công trình sẽ tăng dần về phía bên trong so với phía gần kênh, rạch.

 

Khu đô thị Tây Bắc sẽ được quy hoạch thành trung tâm cấp thành phố đa chức năng như y tế, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, văn hóa, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao. Dự kiến, đến năm 2025, dân số tại đây là 300.000 người, không thay đổi so với quy hoạch hiện hữu. Tuy nhiên, con số thực tế có thể sẽ cao hơn. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 sẽ xác định con số cụ thể. Vì vậy, TP.HCM yêu cầu tính toán quỹ đất dự trữ phù hợp để đáp ứng sự phát triển hạ tầng kỹ thuật và đô thị, phục vụ sự phát triển bền vững tại đây.

 

 3. Duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

 

Đô thị Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) có tổng diện tích quy hoạch gần 7.184ha, quy mô dân số khoảng 350.000 người tính đến năm 2040.

 

Tổng diện tích lập quy hoạch đô thị Văn Giang gần 7.184ha

 

Tổng diện tích lập quy hoạch đô thị Văn Giang gần 7.184ha

 

Nhiệm vụ lập Quy hoạch chung đô thị Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt.

 

Theo đó, phạm vi nghiên cứu quy hoạch gồm khu vực phía Bắc huyện Khoái Châu, khu vực phía Tây huyện Yên Mỹ, khu vực phía Tây huyện Văn Lâm và huyện Văn Giang.

 

Phạm vi lập quy hoạch chung đô thị Văn Giang thuộc địa giới hành chính huyện Văn Giang. Tổng diện tích lập quy hoạch gần 7.184ha.

 

Nội dung quy hoạch gồm: Khảo sát, đánh giá hiện trạng kinh tế – xã hội, điều kiện tự nhiên và thực trạng quy hoạch đô thị; Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội; Tổ chức các khu chức năng đô thị; Định hướng phát triển không gian đô thị, đề xuất cấu trúc/hình thái không gian chính của đô thị, phương án khả thi…

 

Huyện Văn Giang hiện có số dân gần 121.000 người. Dự báo đến năm 2030, dân số vào khoảng 250.000 người với khoảng 175.000 người là dân số nội thị. Đến năm 2040, dân số khoảng 350.000 người với khoảng 325.000 người là dân số nội thị.

 

Bên cạnh nhiệm vụ phê duyệt tổng dự toán chi phí lập quy hoạch, bố trí nguồn vốn, UBND tỉnh Hưng Yên cùng với các bộ, ngành liên quan có nhiệm vụ tổ chức lập, trình duyệt đồ án quy hoạch chung đô thị Văn Giang đảm bảo tiến độ, chất lượng theo quy định.

 

 4. Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 với nhiều thay đổi ở khu vực phía Đông.

 

Theo quyết định, các chức năng sử dụng đất tại Quy hoạch năm 2010 nằm trong lộ giới đường thuộc đoạn tuyến điều chỉnh cập nhật được chuyển đổi thành đất giao thông. Bên cạnh đó, cập nhật quy mô, hướng tuyến, tiêu chuẩn đường vành đai 3 – TP.HCM được xác định tại Quyết định số 497 ngày 19/2/2016 của Bộ Giao thông vận tải và Quyết định số 1679 ngày 28/9/2011 của Thủ tướng vào Quy hoạch năm 2010, đáp ứng yêu cầu về hành lang an toàn đường bộ theo quy định. 

Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025

 

Phó Thủ tướng vừa phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025

 

Tại quận 9, trên địa bàn phường Long Phước, thay đổi định hướng quy hoạch đất khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới để thực hiện các điều chỉnh sau: 

 

Thứ nhất là liên kết và bổ sung các chức năng cho Khu công nghệ cao hiện hữu, làm cơ sở nghiên cứu khu đô thị sáng tạo tương tác cao ở phía Đông thành phố (gồm quận Thủ Đức, quận 2, quận 9).

 

Thứ hai là bổ sung chức năng Khu công nghệ cao (Khu công viên khoa học và công nghệ) có diện tích 166,2ha. Đây sẽ là  khu vực nghiên cứu, thực nghiệm, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ.

 

Thứ ba là bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

 

Thứ tư là điều chỉnh hướng tuyến của tuyến đường chính nội đô dự kiến được định hướng tại Quy hoạch năm 2010 và bổ sung cầu qua sông Tắc để kết nối với đường vành đai 3 – TP.HCM và khu công nghệ cao TP.HCM hiện hữu.

 

Cũng trên địa bàn quận 9, tại khu vực Long Thạnh Mỹ và Long Bình, thay đổi định hướng quy hoạch đất khu du lịch nghỉ dưỡng phát triển mới để thực hiện các điều chỉnh: 

 

Thứ nhất là điều chỉnh vị trí và tăng diện tích khu công cộng cấp đô thị từ 9,7ha thành 13,1ha (trong đó, khoảng 7,3ha là diện tích đất trường học, khoảng 5,8ha là diện tích đất y tế).

 

Thứ hai là điều chỉnh vị trí và tăng quy mô diện tích khu cây xanh công viên thể dục thể thao cấp đô thị từ 3,7ha thành khoảng 36ha.

 

Thứ ba là bổ sung chức năng đất khu ở phát triển mới quy mô khoảng 135,3ha. 

 

Thứ tư là bổ sung tuyến đường kết nối đường vành đai 3 – TP.HCM với đường Long Phước theo quy chuẩn đường chính đô thị; điều chỉnh các tuyến đường giao thông khu vực để kết nối đồng bộ các khu vực khác của thành phố.

 

Thứ năm là bố trí đầy đủ hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng.

 

Theo quyết định phê duyệt, UBND TP.HCM có trách nhiệm rà soát, tổ chức lập, điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch phân khu xây dựng theo thẩm quyền tại khu vực liên quan đến các nội dung được điều chỉnh cục bộ, đảm bảo phù hợp với quy hoạch được duyệt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bên cạnh đó cùng các bộ, ngành liên quan triển khai quy hoạch theo đúng quy định. UBND TP.HCM cũng được giao nhiệm vụ đẩy nhanh tiến độ lập Nhiệm vụ và Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, trình Thủ tướng phê duyệt.

 

 5. Điều chỉnh quy hoạch dự án 6,8915 ha tại phường Thảo Điền

 

UBND TP.HCM vừa điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 dự án khu nhà ở diện tích 6,8915 ha tại phường Thảo Điền, quận 2.

 

Dự án trên được đầu tư bởi Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khôi Minh. 

 

Theo quyết định, UBND thành phố cho phép tồn tại công trình với các căn nhà đã xây dựng hoàn chỉnh, đưa vào sử dụng, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân đang sinh sống; có các chỉ tiêu xây dựng công trình thực tế phù hợp. 

Điều chỉnh quy hoạch dự án 6,8915 ha tại phường Thảo Điền

 

Dự án tại phường Thảo Điền có diện tích 6,8915 ha. (Ảnh minh họa)

 

Với những lô đất có diện tích thực tế khác biệt so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng UBND quận 2 kiểm tra diện tích thực tế của từng lô đất, rà soát pháp lý và tham mưu đề xuất điều chỉnh giấy chứng nhận.

 

Với những công trình còn lại đã xây phần thô, nhưng không phù hợp quy hoạch được duyệt, bị đình chỉ thi công, bỏ hoang từ năm 2010 đến nay, có hiện trạng thực tế công trình không đảm bảo khoảng lùi phía sau, UBND TP.HCM chấp thuận điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500, cho phép điều chỉnh ranh, diện tích từng lô đất để phù hợp theo ranh khu đất thực tế. Tuy nhiên, việc điều chỉnh phải đảm bảo không làm thay đổi tổng số lô đất không làm tăng diện tích khu đất so với quy hoạch được duyệt. 

 

Chỉ sau khi chủ đầu tư tự khắc phục, tháo dỡ diện tích vi phạm, đảm bảo khoảng lùi phía sau công trình tối thiểu 2m thì mới thực hiện việc điều chỉnh.

 

 6. Bắc Ninh mở rộng đô thị Yên Phong gấp 3,5 lần

 

Sau khi điều chỉnh, diện tích đô thị Yên Phong sẽ tăng từ 2.717ha lên 9.694ha, dân số đến năm 2025 dự báo khoảng 225.000-255.000 người.

 

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung thị trấn Chờ và phụ cận (đô thị Yên Phong), huyện Yên Phong đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. 

 

Theo quyết định này, đô thị Yên Phong sẽ là khu vực phát triển đô thị công nghiệp, dịch vụ; trung tâm phát triển thương mại dịch vụ phục vụ cho công nghiệp, là trung tâm giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa của tỉnh; trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và công nghiệp sạch.

Bắc Ninh mở rộng đô thị Yên Phong gấp 3,5 lần

 

Diện tích đô thị Yên Phong sẽ tăng từ 2.717ha lên 9.694ha. (Ảnh minh họa)

 

Phạm vi lập quy hoạch từ thị trấn Chờ và phụ cận (gồm thị trấn Chờ và các xã Yên Phụ, Đông Tiến, Trung Nghĩa) được điều chỉnh thành toàn bộ ranh giới địa chính của huyện Yên Phong.

 

Khu vực nghiên cứu gồm toàn bộ huyện Yên Phong và khu vực giáp ranh để kết nối hạ tầng kỹ thuật, không gian với các khu vực trong và ngoài tỉnh. 

 

Sau khi điều chỉnh, diện tích quy hoạch tăng từ 2.717ha lên 9.694ha. Dự kiến, dân số đến năm 2025 khoảng 225.000-255.000 người và đến năm 2035 là khoảng 300.000-320.000 người. 

 

Việc quy hoạch hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị Yên Phong đạt tiêu chí đô thị loại 4, làm cơ sở để thành lập thị xã trước năm 2025. 

 

Ngoài ra, khi tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị Yên Phong sẽ được định hướng quy hoạch theo tiêu chí đô thị loại 3 hướng đến đáp ứng tiêu chuẩn quận.

 

 7. Bà Rịa – Vũng Tàu lập quy hoạch đô thị Hồ Tràm hơn 5.000ha

 

Khu vực nghiên cứu khu đô thị Hồ Tràm có diện tích 5.063ha, thuộc địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Bà Rịa - Vũng Tàu lập quy hoạch đô thị Hồ Tràm hơn 5.000ha

 

Khu vực quy hoạch đô thị Hồ Tràm có quy mô hơn 5.000ha

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa chủ trì cuộc họp để nghe báo cáo đồ án Quy hoạch chung xây dựng đô thị Hồ Tràm, huyện Xuyên Mộc đến năm 2030.

 

Quy mô khu vực lập quy hoạch là hơn 5.063ha, thuộc toàn bộ ranh giới hành chính xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc. Quy mô dân số khoảng 14.000 người. Vị trí tiếp giáp cụ thể như sau: phía Đông giáp thị trấn Phước Bửu và khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu; phía Tây giáp xã Lộc An và xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ; phía Nam giáp Biển Đông; phía Bắc giáp thị trấn Phước Bửu và xã Phước Tân. Đơn vị tư vấn là Công ty TNHH Kiến Trúc Miền Đông.

 

Việc quy hoạch nhằm xây dựng đô thị Hồ Tràm thành một trung tâm hành chính, khu vực quan trọng trong hành lang phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch; hình thành môi trường sống hài hòa giữa các chức năng dịch vụ, sản xuất, du lịch, cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Đây cũng là cơ sở để xây dựng đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị loại V, là cơ sở pháp lý để tiếp tục triển khai quy hoạch chi tiết các khu chức năng thuộc đô thị, các quy hoạch ngành, thu hút nguồn vốn đầu tư và đề xuất các cơ chế chính sách thực hiện…

 

Theo đề xuất của đơn vị tư vấn, việc quy hoạch chia thành 2 không gian cơ bản. Không gian thứ nhất là không gian ở của dân cư đô thị được hình thành từ điểm dân cư hiện hữu phát triển dọc theo tuyến đường ĐT.998, phát triển về phía Nam gắn kết với không gian du lịch dịch vụ biển và phía Bắc kết nối với không gian đô thị Phước Bửu. Không gian thứ hai là không gian dịch vụ du lịch phát triển hướng biển dọc theo tuyến đường ĐT.994, hình thành các dự án du lịch nghỉ dưỡng, tổ chức không gian vui chơi giải trí, bãi biển công cộng…

 

Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, địa phương, bổ sung hoàn chỉnh đồ án quy hoạch để báo cáo UBND tỉnh.

 

 8. Thủ tướng phê duyệt quy hoạch siêu đô thị 17.000ha tại Hà Nội

 

Quy mô nghiên cứu quy hoạch “siêu” đô thị Hòa Lạc hơn 17.000ha, thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.

Thủ tướng phê duyệt quy hoạch siêu đô thị 17.000ha tại Hà Nội

 

Đô thị Hòa Lạc nằm cách Hồ Hoàn Kiếm gần 40km

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000. Theo đó, quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 17.274ha, thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội.

 

Ranh giới cụ thể như sau: Phía Đông là sông Tích; phía Bắc giáp trục Hồ Tây – Ba Vì; phía Nam và Tây giáp tỉnh Hòa Bình.

 

Đô thị Hòa Lạc sẽ là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ cao của cả nước, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Đây cũng là một đô thị sinh thái – nghỉ dưỡng, đô thị khoa học – công nghệ theo hướng phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, tiết kiệm năng lượng, trung tâm vùng phía tây Hà Nội.

 

Thời gian lập quy hoạch giai đoạn ngắn đến năm 2025, giai đoạn dài hạn đến năm 2030 tầm nhìn dài hạn tới năm 2050.

 

Mục tiêu quy hoạch là nhằm cụ thể hóa định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, giúp giảm tải chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các huyện ngoại thành. Bên cạnh đó, đây cũng là cơ sở để quản lý phát triển đô thị và phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với định hướng quy hoạch chung Thủ đô; rà soát, khớp nối các dự án đã và đang triển khai trong khu vực.

 

Theo yêu cầu của Thủ tướng, các cơ quan chức năng cần rà soát và phân loại các dự án đã phê duyệt trước đó; rà soát kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp để có giải pháp thực hiện phù hợp định hướng quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc được phê duyệt. Đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch; lập kế hoạch, chương trình chỉnh trang đô thị, kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội – kỹ thuật, quản lý chặt chẽ quỹ đất dự kiến phát triển công trình, các khu chức năng quan trọng của đô thị.

 

9. Bắc Ninh mở rộng diện tích đô thị Phố Mới và phụ cận lên 15.511ha

 

Theo quy hoạch được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt, 3 xã Chi Lăng, Yên Giả, Hán Quảng được bổ sung vào quy hoạch đô thị Phố Mới và phụ cận (đô thị Quế Võ).

 

UBND tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phố Mới và phụ cận (đô thị Quế Võ), huyện Quế Võ đến năm 2040.

 

Theo đó, khu vực quy hoạch có tổng diện tích 15.511ha. Phạm vi quy hoạch được mở rộng ra toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Quế Võ (thêm 3 xã Chi Lăng, Yên Giả, Hán Quảng). Khu vực ngoại thị có tổng diện tích khoảng 8.335ha, gồm 10 xã. Khu vực nội thị có tổng diện tích 7.150ha, gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã.

 

Bắc Ninh mở rộng diện tích đô thị Phố Mới và phụ cận lên 15.511ha

Khu vực quy hoạch đô thị Phố Mới và phụ cận có diện tích 15.511ha

 

Hiện tại, dân số theo quy hoạch là khoảng 195.666 người. Dự báo, đến năm 2030 dân số là khoảng 225.000 người và đến năm 2040 là khoảng 350.000 người. Thời hạn quy hoạch điều chỉnh đến năm 2040.

 

Quy hoạch bổ sung Cụm công nghiệp Cách Bi diện tích khoảng 75ha và Khu công nghiệp Quế Võ II (giai đoạn 2) tại xã Đức Long, xã Châu Phong khoảng 277ha.

 

Tính từ khi phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, thời gian thực hiện quy hoạch là không quá 12 tháng.

 

Hồi tháng 7/2017, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Phố Mới và phụ cận đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt.

 

Cụ thể, diện tích đô thị Phố Mới là khoảng 4.062ha. Trong đó, khoảng 216ha là diện tích thị trấn Phố Mới; khoảng 3.846ha là phần mở rộng ranh giới đô thị tại các xã. Tổng diện tích của đô thị Phố Mới và phụ cận là khoảng 13.145ha. 

 

Các phân khu chức năng gồm: Khu trung tâm giáo dục, y tế; Khu công cộng, hỗn hợp; Khu dự trữ phát triển; Khu vực phát triển dân cư tập trung; Khu công viên cây xanh trung tâm và không gian xanh; Khu nông nghiệp và nông nghiệp chất lượng cao; Khu công nghiệp; Khu bảo tồn và Khu vực cấm xây dựng.

 

Việc quy hoạch hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị Phố Mới và phụ cận thành đô thị phát triển mạnh về công nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là trung tâm hành chính – chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao của huyện Quế Võ; là trung tâm công nghiệp và điểm du lịch văn hóa, lịch sử…

 

 10. Đồng Nai sẽ có thêm 6.500ha đất công nghiệp

 

Dự kiến, Đồng Nai sẽ có thêm 8 khu công nghiệp mới và sẽ mở rộng 3 khu công nghiệp. Tổng diện tích của những khu công nghiệp đầu tư mới dự kiến là hơn 4.300ha.

 

Theo quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai sẽ mở rộng 3 khu công nghiệp hiện hữu và triển khai thêm 8 khu công nghiệp.

Đồng Nai sẽ có thêm 6.500ha đất công nghiệp

 

Dự kiến, Đồng Nai sẽ có thêm 8 khu công nghiệp mới

 

3 khu công nghiệp được quy hoạch mở rộng là khu công nghiệp Long Khánh (Thống Nhất), khu công nghiệp Dầu Giây và khu công nghiệp Tân Phú (Tân Phú). Diện tích mở rộng là 745ha.

 

Tổng diện tích các khu công nghiệp đầu tư mới là hơn 4.300ha gồm khu công nghiệp Hàng Gòn (TP. Long Khánh); khu công nghiệp đô thị dịch vụ Xuân Quế (Cẩm Mỹ); khu công nghiệp dịch vụ cảng Phước An (Nhơn Trạch); khu công nghiệp Bàu Xéo 2 (Trảng Bom); khu công nghiệp dịch vụ đô thị Bình An, khu công nghiệp Phước Bình 2, Phước Bình 3, Phước Bình 4 (Long Thành). 

 

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai cũng đang hoàn tất thủ tục đầu tư 3 khu công nghiệp mà Chính phủ đã phê duyệt là khu công nghiệp Gia Kiệm (Thống Nhất), khu công nghiệp Cẩm Mỹ (Cẩm Mỹ) và khu công nghiệp Phước Bình (Long Thành). 

 

Theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, các sở, ngành và địa phương cần quy hoạch, triển khai nhanh hạ tầng khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài đang dịch chuyển về Việt Nam. Hiện nay, Phước An, Phước Bình và Cẩm Mỹ là 3 khu công nghiệp có thể triển khai nhanh. Tỉnh sẽ tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường để bàn giao đất sạch nhằm đẩy nhanh hạ tầng.