Quy hoạch quận Tây Hồ trong chương trình phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030

 

Quy hoạch quận Tây Hồ trong chương trình phát triển thành phố hà nội đến năm 2030 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2050.

 

1. Quy hoạch tổng thể thành phố Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn chiến lược đến năm 2050.

 

Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang gây sức ép lớn cho thủ đô Hà Nội. Dự kiến tăng trưởng kinh tế quốc gia giai đoạn 15 năm tới sẽ duy trì 7% mỗi năm. Dân số đô thị sẽ tăng từ xấp xỉ 30% hiện nay lên trên 50% vào năm 2025. Cùng với sự phát triển về kinh tế là một loạt các vấn đề xã hội nảy sinh. Thủ đô Hà Nội đã phát ra báo động đỏ về ô nhiễm môi trường, mật độ dân số quá tải và áp lực nặng nề lên hạ tầng đô thị cũng như giao thông…

 

Chính phủ đã đưa ra mục tiêu phát triển thủ đô Hà Nội trong tương lai:

– Là trung tâm hành chính – chính trị của cả nước.

– Là trung tâm văn hóa khoa học công nghệ và giáo dục quan trọng của cả nước.

– Là trung tâm kinh tế – dịch vụ và thương mại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

 

Để đạt được những mục tiêu trên mà vẫn kiểm soát tốt các vẫn đề về văn hóa xã hội, môi trường, giao thông đòi hỏi phải có đề án Quy hoạch thủ đô tổng thể và khoa học. Rất nhiều nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đô thị và hoạch định chiến lược đã vào cuộc để xây dựng bản Quy hoạch Hà Nội trong 10 đến 30 năm về sau.

 

Cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011.

 

Quy hoạch quận Tây Hồ trong chương trình phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030 (1)

 

Vào tháng 4/2018 và tháng 11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến về việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

 

Theo Thủ tướng, cần nghiên cứu quy hoạch các khu đô thị hiện đại, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên; hạn chế tối đa việc xây dựng các công trình thấp tầng góp phần giảm tải dân số trong khu vực nội đô lịch sử từ 1,26 triệu dân xuống còn 0,8 triệu dân. Đồng thời, Thủ tướng giao UBND thành phố Hà Nội thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch tại khu vực các xã: Xuân Canh, Mai Lâm, Đông Hội, huyện Đông Anh để đáp ứng yêu cầu xây dựng Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia và khu vực phụ trợ như ý kiến của Bộ Xây dựng.

 

Từ định hướng chung đó, Quy hoạch cho từng quận trong nội thành thành phố Hà Nội cũng được vạch ra cụ thể. Quận Tây Hồ là một trong những trọng tâm của quy hoạch  thành phố.

 

2. Quy hoạch quận Tây Hồ trở thành trung tâm văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí của thành phố.

 

Quận Tây Hồ được xác định là trung tâm dịch vụ – du lịch, trung tâm văn hoá, là vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên của Thủ đô Hà Nội. Quận nằm ở phía Tây Bắc của Hà Nội. Diện tích 24,0km2, gồm 8 phường: Bưởi, Yên Phụ, Thuỵ Khuê, Tứ Liên, Quảng An, Nhật Tân, Xuân La, Phú Thương. Phía đông giáp quận Long Biên; Phía tây giáp huyện Từ Liêm và quận Cầu Giấy; Phía nam giáp quận Ba Đình; Phía bắc giáp huyện Đông Anh. Quận Tây Hồ có địa hình tương đối bằng phẳng, có chiều hướng thấp dần từ bắc xuống nam.

 

Công tác quy hoạch quận Tây Hồ được triển khai tích cực trong những năm qua. Từ năm 2014 đến nay quận đã được Thành phố phê duyệt: Quy hoạch chi tiết quận Tây Hồ tỷ lệ 1/2000; quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2001-2010; quy hoạch mạng lưới trường học và mạng lưới điện,quy hoạch cấp nước, quy hoạch mạng lưới chợ đến năm 2010. Đặc biệt là thực hiện quy hoạch khu đô thị mới Nam Thăng Long ( Dự án nổi bật nhất là: The Lotus Center đang triển khai) và chuẩn bị đầu tư khu đô thị Tây Hồ Tây…

 

Quy hoạch quận Tây Hồ trong chương trình phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030 (2)

 

Theo định hướng phát triển của Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, quận Tây Hồ thuộc khu vực trọng điểm phát triển của Thành phố.  Đây sẽ là trung tâm văn hóa, lịch sử, dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí của Thành phố, khu bảo tồn sinh thái đô thị kết hợp với xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang kiến trúc và hạ tầng đô thị.

 

Tổng diện tích đất quy hoạch gần 993 ha, quy mô dân số đến năm 2050 tối đa khoảng 58.000 người. Phân khu đô thị được chia thành 20 ô quy hoạch để kiểm soát phát triển, trong ô quy hoạch bao gồm các lô đất chức năng và đường giao thông cấp nội bộ.

 

Quy hoạch sử dụng đất các chức năng chính như sau:

 

– Đất công trình công cộng cấp đô thị: có tổng diện tích khoảng 63,2ha, chiếm 6,36% diện tích đất nghiên cứu, bao gồm các chức năng: Khách sạn, Dịch vụ, Thương mại, Tài chính, Y tế, Văn hóa, Hành chính quản lý đô thị và công trình công cộng hỗn hợp (không có chức năng ở).

 

– Đất công viên, cây xanh đô thị: có tổng diện tích 604,82ha chiếm 60,91% diện tích đất nghiên cứu, trong đó diện tích đất cây xanh TDTT khoảng 41,48ha, diện tích mặt nước khoảng 562,98ha. Khai thác tối đa các quỹ đất nông nghiệp, đất trống dành cho cây xanh để tôn tạo cảnh quan cho khu vực Hồ Tây. Đối với mặt nước Hồ Tây, ngoài khai thác các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, tại các vị trí có điểm nhìn đẹp có thể bố trí đài phun nước phục vụ nhu cầu thăm quan, ngắm cảnh của khách du lịch.

 

– Diện tích đất giao thông cấp đô thị khoảng 23,12ha, chiếm 2,33% diện tích đất nghiên cứu.

 

– Đất trường THPT: có tổng diện tích khoảng 4,79ha, chiếm 0,48% diện tích đất nghiên cứu.

 

– Đất đơn vị ở có diện tích khoảng 228,61 ha, chiếm 23,02% tổng diện tích đất với chỉ tiêu 40,2 m2/người.

 

– Đất hỗn hợp có diện tích khoảng 12,59ha, chiếm 1,27% diện tích đất nghiên cứu, bao gồm nhiều chức năng: cơ quan, trụ sở, văn phòng, thương mại, dịch vụ, ở… Tỷ trọng sàn nhà ở chiếm tỷ lệ không quá 30% tổng diện tích sàn phần nổi công trình.

 

– Đất cơ quan, viện nghiên cứu, trường đào tạo: có tổng diện tích 2,05ha, chiếm 0,21% diện tích đất nghiên cứu.

 

– Đất công trình di tích, tôn giáo – tín ngưỡng: có tổng diện tích 12,21ha, bao gồm cả hành lang bảo vệ công trình di tích.

 

Các chỉ tiêu về hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đảm bảo phù hợp định hướng của Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được duyệt; tuân thủ các Quy chuẩn, Tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.

 

Quy hoạch quận Tây Hồ trong chương trình phát triển thành phố Hà Nội đến năm 2030 (3)

 

Cụ thể, về tổ chức không gian quy hoạch:

 

– Lấy Hồ Tây làm trung tâm để phát triển không gian đô thị.

 

– Cấu trúc không gian được tổ chức theo các dải, lớp tạo bởi các tuyến đường xung quanh Hồ Tây; đặc biệt có trục không gian bán đảo Quảng An kết nối Hồ Tây với không gian sông Hồng và thành Cổ Loa, xác định một số công trình tạo điểm nhấn kiến trúc có chiều cao theo hướng thấp dần về phía Hồ Tây.

 

– Không gian đô thị chủ yếu là công trình thấp tầng, mật độ xây dựng thấp, chỉ bố trí hạn chế một số công trình cao tầng tại các trục không gian và điểm nhấn được xác định theo quy hoạch và thiết kế đô thị.

 

– Tăng cường hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, cây xanh, hạ tầng xã hội trong các khu vực dân cư, làng xóm.

 

– Việc khai thác và sử dụng mặt nước Hồ Tây phải tuân thủ Quy định về quản lý Hồ Tây đã được UBND Thành phố ban hành tại Quyết định số 92/2009/QĐ-UBND ngày 19/8/2009.

 

– Quy hoạch này đã phân ra 3 vùng khống chế kiểm soát tầng cao và mật độ xây dựng.

 

Như vậy, trong tương lai, Tây Hồ sẽ là khu vực trung tâm của Thủ đô Hà Nội. Với vị trí và các lợi thế quy hoạch đó, Tây Hồ được ví như viên ngọc xanh của Hà Nội. Ngay từ bây giờ, nơi đây đã đặc biệt để thu hút các nhà đầu tư và doanh nhân thành đạt đổ kinh phí vào các hạng mục bất động sản. Đối với người dân, đây cũng sẽ là không gian lý tưởng để an cư và tận hưởng cuộc sống hiện đại và trong lành.