Pháp lý bất động sản: Bảo lãnh ngân hàng trong hoạt động kinh doanh bất động sản

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 13/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 07/2015 ngày 25/6/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về bảo lãnh ngân hàng.

Xem chi tiết và tải về bản PDF Thông tư 13/2017/TT-NHNN tại đây (vanban.chinhphu.vn)

Hoặc xem trực tuyến tại đây

 

Theo Thông tư 13/2017, kể từ ngày 15/11/2017, các ngân hàng thương mại phải phát hành cam kết bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho từng bên mua trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua nhà.

 

Theo quy định tại Thông tư này, bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (gọi là bảo lãnh nhà ở) là bảo lãnh ngân hàng. Theo đó, ngân hàng thương mại cam kết với bên mua, bên thuê mua (gọi chung là bên mua) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính thay cho chủ đầu tư khi đến thời hạn giao, nhận nhà ở đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua mà không hoàn lại hoặc hoàn lại không đầy đủ số tiền đã nhận ứng trước và các khoản tiền khác theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết cho bên mua; chủ đầu tư phải nhận nợ và hoàn trả cho ngân hàng thương mại.

 

Ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là ngân hàng thương mại đảm bảo 2 điều kiện:

1) Trong Giấy phép thành lập và hoạt động hoặc tại văn bản sửa đổi, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động của ngân hàng thương mại có quy định nội dung hoạt động bảo lãnh ngân hàng;

2) Không bị cấm thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong giai đoạn bị kiểm soát đặc biệt.

Thông tư 13 cũng quy định: Ngân hàng Nhà nước công bố công khai danh sách ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai trong từng thời kỳ trên trang thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng thương mại không còn đáp ứng quy định bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, bị loại khỏi danh sách, vẫn phải tiếp tục thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã ký về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai cho đến khi nghĩa vụ bảo lãnh chấm dứt.

 

Đặc biệt, số tiền bảo lãnh cho một dự án nhà ở hình thành trong tương lai tối đa bằng tổng số tiền chủ đầu tư được phép nhận ứng trước của bên mua theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản và các khoản tiền khác chủ đầu tư có nghĩa vụ phải hoàn lại cho bên mua theo hợp đồng mua, thuê mua nhà ở đã ký kết khi đến thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua.

 

Điều kiện đối với chủ đầu tư dự án bất động sản

  • – Được NHTM đánh giá chủ đầu tư có khả năng thực hiện đúng tiến độ dự án: Có thể nói đây là các điều kiện chung về năng lực của công ty, như năng lực tài chính, năng lực điều hành, quản lý; kinh nghiệm thực hiện dự án, uy tín của chủ đầu tư…
  • – Được NHTM đánh giá chủ đầu tư sử dụng số tiền ứng trước, các khoản tiền khác của bên mua, bên thuê mua đã trả cho chủ đầu tư đúng mục đích: Mục đích sử dụng tiền ứng trước của chủ đầu tư quyết định trực tiếp đến khả năng thực hiện tiến độ dự án, nếu sử dụng sai mục đích có thể sẽ dẫn đến chậm tiến độ bàn giao.

Điều kiện đối với nhà ở hình thành trong tương lai

Để nhà ở hình thành trong tương lai thuộc các dự án bất động sản được phép bán, cho thuê mua thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, cụ thể như sau:

  • – Có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải có giấy phép xây dựng);
  • – Có giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án;
  • – Có văn bản của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (hiện nay là Sở Xây dựng) về việc nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán, cho thuê mua.
  • – Không thuộc diện đã có quyết định thu hồi đất, có thông báo giải tỏa của cơ quan có thẩm quyền. [1]

Ngoài ra, đối với nhà ở hình thành trong tương lai là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp có mục đích để ở thì phải đáp ứng thêm điều kiện:

  • – Có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.

Thỏa thuận cấp bảo lãnh có hiệu lực kể từ ngày ký cho đến khi toàn bộ các cam kết bảo lãnh cho bên mua hết hiệu lực.

 

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, trong đó có quy định nghĩa vụ của chủ đầu tư trong việc hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho bên mua khi đến thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết nhưng chủ đầu tư không bàn giao nhà ở cho bên mua, chủ đầu tư phải gửi cho ngân hàng thương mại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

 

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hợp đồng mua, thuê mua nhà ở, ngân hàng thương mại căn cứ hợp đồng mua, thuê mua nhà ở và thỏa thuận cấp bảo lãnh để phát hành cam kết bảo lãnh cho bên mua và gửi đến địa chỉ của bên mua.

 

Thời hạn hiệu lực của cam kết bảo lãnh được xác định kể từ ngày phát hành cho đến thời điểm ít nhất sau 30 ngày kể từ thời hạn giao, nhận nhà đã cam kết quy định tại hợp đồng mua, thuê mua nhà ở.

 

Theo ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên thứ trưởng Bộ xây dựng, việc bảo lãnh nghĩa vụ tài chính đã giúp thanh lọc các chủ đầu tư yếu kém, chọn lọc những thương hiệu uy tín có khả năng đảm bảo được tiến độ cũng như chất lượng công trình, bảo vệ quyền lợi của khách hàng mua nhà.

 

Có thể thấy, việc bảo lãnh nghĩa vụ tài chính ở các chung cư đang xây dựng giúp người mua nhà cảm thấy yên tâm hơn về tiến độ của công trình. Điều này giúp các công ty địa ốc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển thị trường một cách lành mạnh.