Xin chào quý vị và các bạn đang theo dõi Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây là chương trình Bản tin BĐS Hà Nội tháng 10/2022 cập nhật những thông tin mới nhất trên thị trường bất động sản.
1. Bất động sản Hà Nội: Khan hiếm nguồn cung mới
Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng và UBND TP Hà Nội về tình hình thị trường BĐS, nhà ở trên địa bàn TP trong quý III/2022. Theo đó, nguồn cung sản phẩm vẫn ở mức thấp, chủ yếu từ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư từ trước đó. Chính sách tín dụng siết chặt cộng thêm những khó khăn về thủ tục, khiến nhiều dự án không thể triển khai. Lượng tiêu thụ sản phẩm cũng ở mức thấp. Thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc…
Cụ thể, trong quý III nguồn cung trên thị trường có thêm trên 3,600 sản phẩm, nhưng chủ yếu là hàng tồn kho từ những quý trước được tiếp tục chào bán ra thị trường, tập trung chủ yếu tại các quận: Hoàng Mai, Long Biên, Hà Đông. Trong khi đó, nguồn cung mới được chào bán rất hiếm, đến từ một số dự án.
Sản phẩm được chào bán trên thị trường tập trung chủ yếu tại dự án nhà ở thuộc các quận, huyện vùng ven do ưu thế về quỹ đất, nhưng căn hộ chung cư thuộc phân khúc trung và cao cấp chiếm đa số. Ngoài dự án căn hộ, thị trường Hà Nội còn xuất hiện nhiều BĐS đất nền được đưa vào kinh doanh. Tuy nhiên, nguồn cung không nhiều, chỉ xuất hiện ở một số huyện xa trung tâm như: Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây…
Cũng theo báo cáo này, trong quý III/2022 trên địa bàn Thủ đô không có thêm bất cứ dự án nhà ở thương mại nào được cấp phép đầu tư mới và hoàn thành xây dựng. Trong số 52 dự án đang triển khai cũng mới chỉ có 7 dự án được cấp phép bán nhà ở hình thành trong tương lai; Tương tự, quý III TP Hà Nội cũng không có dự án nhà ở xã hội được cấp phép mới, số dự án đang triển khai xây dựng là 3 dự án.
2. Loạt khu đô thị, dự án nhà ở chậm tiến độ ở Hà Nội lọt ‘tầm ngắm’ rà soát, kiểm tra
Hà Nội sẽ rà soát hàng chục dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn thành phố chậm triển khai. Đáng chú ý có những dự án với vốn đầu tư “khủng” hàng nghìn tỷ đồng của các ông lớn bất động sản cũng nằm trong “tầm ngắm”.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, việc phát triển các dự án nhà ở thương mại thời gian qua còn một số tồn tại, như việc nhiều dự án triển khai chậm so với tiến độ được duyệt do thời gian giải phóng mặt bằng thường kéo dài; một số dự án được giao đất, cho thuê đất còn chậm triển khai, để hoang hóa, chậm đưa đất vào sử dụng…
Sở Xây dựng cho biết, sẽ chủ trì cùng với các Sở, ngành tiếp tục rà soát những dự án này để hàng năm cập nhật vào danh mục thực hiện giai đoạn 2021-2030. Theo đó, có 80 dự án khu đô thị, nhà ở tại các quận, huyện nằm trong danh sách rà soát.
Tại quận Tây Hồ dự án Xây dựng nhà ở thương mại tại lô đất CT02B Khu đô thị Nam Thăng Long của liên danh Công ty CPĐTXD dân dụng Hà Nội và Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC với tổng mức đầu tư 2.147 tỷ đồng nằm trong danh sách phải rà lại. Theo tiến độ được duyệt từ quý I/2017 – IV/2018, dự án đang thi công cọc đại trà.
3. Đấu giá hàng trăm lô đất tại Hà Nội
Công ty đấu giá Hợp danh số 5 – Quốc gia mới đây đã có thông báo mời tham gia đấu giá quyền sử dụng đất đối với 31 thửa đất đấu giá tại 3 phường Phú Lương, Yên Nghĩa và Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội).
Cụ thể, 17 thửa đất ở có diện tích mỗi thửa là 62.5m2 để xây dựng nhà ở tại khu đất Hạ Khâu, phường Phú Lương. Giá khởi điểm là 67,544,000 đồng, bước giá 100,000 đồng/m2.
Có 3 thửa đất ở khu Đống Đanh – Đồng Cộc, phường Phú Lương có diện tích từ 67,1 – 69.8m2. Giá khởi điểm là 75,895,000 đồng, bước giá 100,000 đồng/m2. Và 2 thửa đất ở khu Sau Chùa (ký hiệu X8), phường Yên Nghĩa, có diện tích là 65.3 và 72.1m2. Giá khởi điểm là 76,000,000 đồng, bước giá 100,000 đồng/m2.
Đặc biệt, 9 thửa đất ở khu Dược (ký hiệu X7), phường Dương Nội, có diện tích dao động từ 48.7 – 66.8m2. Giá khởi điểm dao động từ 79.9 – 82 triệu đồng/m2, bước giá 100,000 đồng/m2.
Ngoài ra, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội cũng chuẩn bị đấu giá đất vào thời điểm cuối tháng 10/2022 như huyện Chương Mỹ có 58 thửa đất đấu giá, mức khởi điểm từ 5,6 – 31 triệu đồng/m2; huyện Đan Phượng có 19 thửa đất đấu giá, mức khởi điểm từ 31 – 45 triệu đồng/m2; huyện Gia Lâm có 13 thửa đất đấu giá, mức khởi điểm từ 28,5 – 36 triệu đồng/m2; huyện Mỹ Đức có 34 thửa đất đấu giá, mức khởi điểm từ 2,3 – 5 triệu đồng/m2.
4. Hà Nội: Đẩy nhanh các dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu
Thành phố Hà Nội quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh các dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu, đáp ứng nhu cầu dân sinh bức thiết.
Theo báo cáo giám sát của Thường trực HĐND Thành phố Hà Nội, Thủ đô đang triển khai 266 dự án khu đô thị, khu nhà ở quy mô từ 2ha trở lên, trong đó có 98 dự án đã cơ bản hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng; có tới 168 dự án chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chiếm tỷ lệ 63%.
Để nhanh chóng giải quyết các vấn đề tồn tại về hạ tầng đô thị, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, thống kê, tổng hợp các dự án thành phần, hạng mục chưa được thực hiện, chậm triển khai làm cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý, tổ chức thực hiện và công khai tiến trình thực hiện để cử tri, nhân dân giám sát.
Mặt khác, theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, UBND Thành phố, cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan sẽ quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh các dự án, công trình hạ tầng xã hội thiết yếu chậm triển khai, đặc biệt là các dự án trường học, bãi đỗ xe… để đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu dân sinh bức thiết.
5. Hà Nội: Hoàn thiện báo cáo khung định hướng Quy hoạch Thủ đô trong tháng 10/2022
UBND Thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương, nghiêm túc, chuẩn bị tốt cho công tác lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và kế hoạch đề ra.
Trong văn bản, UBND Thành phố Hà Nội nhận định, hiện nay, các nội dung công việc theo kế hoạch và các chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội về nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô chậm so với yêu cầu tiến độ đề ra.
Do đó, để đẩy nhanh tiến độ công tác lập Quy hoạch Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND Thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội (cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương chuẩn bị các thủ tục để lập, trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn đơn vị tư vấn lập Quy hoạch Thủ đô theo quy định.
Ngoài ra, UBND Thành phố Hà Nội cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho các Sở Tài chính, Quy hoạch – Kiến trúc, Tài Nguyên và Môi trường, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội tập trung triển khai các công việc liên quan để phục vụ công tác lập Quy hoạch Thủ đô.
6. Hà Nội ủy quyền cho 5 huyện lập đề án thành lập quận
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký ban hành Quyết định số 3916/QĐ-UBND về việc ủy quyền cho UBND các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng thực hiện việc lập đề án thành lập quận, phường của 5 huyện.
Theo đó, UBND các huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng tổ chức lập đề án thành lập quận, phường thuộc quận; thẩm định, phê duyệt dự toán chi phí lập đề án theo quy định.
Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở Tài chính tham mưu cho UBND thành phố về việc bố trí vốn lập đề án và hướng dẫn các huyện về trình tự, thủ tục thanh, quyết toán đề án từ nguồn chi thường xuyên.
Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ và đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc UBND các huyện thực hiện nhiệm vụ được ủy quyền; kịp thời tham mưu UBND thành phố chỉ đạo giải quyết những vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập đề án.
7. Hà Nội: Điều chỉnh quy hoạch khu đất xây bệnh viện cạnh bến xe Mỹ Đình
UBND TP.Hà Nội vừa phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết xây dựng cải tạo, chỉnh trang hai bên tuyến đường Phạm Hùng tỷ lệ 1/500 (đoạn từ đường Xuân Thủy đến đường Trần Duy Hưng) tại ô đất ký hiệu N6.2 (khu đất dự án Bệnh viện đa khoa tư nhân Y Cao).
Cụ thể, theo quy hoạch do UBND TP.Hà Nội phê duyệt năm 2016, ô đất N6.2 được xác định là đất công cộng đô thị (bố trí bệnh viện, thực hiện dự án), có diện tích xây dựng 7,940m2, diện tích sàn 94,895m2, mật độ xây dựng 30.4%, tầng cao công trình 1, 5, 9, 13, 17 tầng, hệ số sử dụng đất 3.63 lần.
Nay điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc với tổng diện tích ô đất không đổi, mật độ xây dựng khu đất tăng lên 40%, diện tích xây dựng công trình (tầng nổi) 10,440m2, tổng diện tích sàn xây dựng tầng nổi 88,043m2, tổng diện tích sàn tầng hầm 36,909m2, hệ số sử dụng đất 3.66 lần, tầng cao công trình nổi gồm hai khối nhà cao 9 và 17 tầng. Ngoài ra, bổ sung 7,856m2 cây xanh, vườn hoa, quy mô giường bệnh được giữ nguyên 300 giường.
Mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch nhằm cụ thể hóa các quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời thực hiện chủ trương của UBND TP. Hà Nội tại Thông báo số 165/TB-VP ngày 30/3/2021 về điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tư nhân Y Cao tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Nguồn: Sen Vàng Group – BTV Thương Trần
Thông tin liên hệ:
Website: https://senvangdata.com/
Hotline: 0948.48.48.59