Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 6 tháng qua vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cụ thể, 6 tháng qua cả nước có 1.366 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 11,8 tỷ USD, bằng 99,7% so với cùng kỳ năm 2017. Đồng thời có 507 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 4,43 tỷ USD.
Bên cạnh đó còn có 2.749 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp gần 4,1 tỷ USD, tăng 82,4% so với cùng kỳ 2017. Phân theo lĩnh vực đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đạt 7,91 tỷ USD, chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 5,54 tỷ USD, chiếm 27,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,5 tỷ USD, chiếm 7,4% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ước tính đến 20/6, các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 8,37 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Một số dự án bất động sản lớn được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong 6 tháng qua gồm:
– Dự án Thành phố thông minh tại xã Hải Bối và Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội, tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư với mục tiêu xây dựng khu đô thị thông minh, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
– Dự án Lotte Mall Hà Nội, tổng vốn đầu tư đăng ký 600 triệu USD, do nhà đầu tư Hàn Quốc đầu tư tại Hà Nội với mục tiêu xây dựng khu tổ hợp tiêu chuẩn quốc tế cao cấp bao gồm TTTM, khách sạn, văn phòng, căn hộ du lịch kinh doanh lưu trú ngắn ngày.
– Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Thừa Thiên Huế đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD vào ngày 25/5/2018.
Theo quan sát, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào bất động sản Việt Nam theo ba phương thức chủ yếu là góp vốn, mua cổ phần doanh nghiệp và cho vay vốn đầu tư.
Hầu hết các nhà đầu tư này đều lựa chọn phân khúc bất động sản cao cấp khi gia nhập thị trường Việt Nam bởi ở phân khúc này họ có nhiều lợi thế nhất. Theo nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp nước ngoài đến từ các thị trường bất động sản phát triển hơn, do đó họ có nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế, phát triển và vận hành các bất động sản cao cấp.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills Việt Nam, sự hiện diện của các nhà đầu tư ngoại đang là một xu thế của thị trường bất động sản hiện nay. Thị trường bất động sản Việt Nam đang cho thấy sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ về lợi nhuận mà còn ở các yếu tố về tăng trưởng kinh tế, các chính sách của nhà nước đối với việc người nước ngoài được sở hữu nhà tại Việt Nam và những ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài, vị chuyên gia này cho hay.
Theo đại diện Savills, các nhà đầu tư này sẽ đem tới thị trường những kinh nghiệm phát triển dự án. Mặt khác, họ cũng giúp tăng tính cạnh tranh, cải tiến hoạt động kinh doanh và sản phẩm trên thị trường, do vậy sẽ đem lại nhiều lợi ích hơn cho người tiêu dùng.