Chuyển động bất động sản Việt Nam tháng 03/2022

Xin chào quý vị và các bạn đang theo dõi Chương trình Chuyển động Bất động sản của Kênh đầu tư Sen Vàng. Đây là chương trình cập nhật những thông tin trên thị trường bất động sản. Và để bắt đầu chương trình, hãy cùng điểm lại những tin chính nổi bật trong tháng 3 vừa qua tại thị trường bất động sản.

  • Nghị định 02 về bất động sản: Chìa khóa giúp dân yên tâm mua nhà.

Kể từ ngày 1/3/2022, hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng phải thuộc diện không có tranh chấp, khiếu kiện để người dân yên tâm mua bán, chuyển nhượng nhà, bất động sản.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị định số 02/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.

Nghị định 02 thay đổi một số quy định của Luật Kinh doanh bất động sản: Điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản về các loại hợp đồng mẫu kinh doanh bất động sản; chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn; chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và thủ tục chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.

Cùng với các điểm mới về điều kiện kinh doanh, Nghị định 02 cũng quy định một số điều kiện chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai và chuyển nhượng hợp đồng thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn.

  • M&A bất động sản: Việt Nam đã sẵn sàng là nơi “đổ tiền” của nhà đầu tư ngoại

Quyết định mở cửa toàn bộ đường bay từ ngày 15/03 và chính sách miễn thị thực nhập cảnh sẽ thúc đẩy quá trình đàm phán của các thương vụ M&A và tăng cường hoạt động đầu tư bất động sản. 

Khi những rào cản du lịch được dỡ bỏ, các nhà đầu tư có thể trực tiếp di chuyển tới các dự án để nghiên cứu thị trường, tìm hiểu mô hình kinh doanh hay đánh giá tiềm năng của ngành. Từ đó, quá trình giải ngân nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ trở nên thuận tiện hơn, góp phần gia tăng tỷ lệ thành công của các giao dịch M&A.

Ngành bất động sản Việt Nam đang đứng trước cơ hội tạo sức bật cho các hoạt động mua bán-sáp nhập và trở thành điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp quốc tế trong năm 2022. Bất chấp những tín hiệu tích cực thể hiện sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài, việc đánh giá kỹ những lợi thế và hạn chế của thị trường sẽ giúp doanh nghiệp phát huy tiềm năng thương mại. 

  • BĐS du lịch hồi phục: Nhiều dư địa, cần tái cơ cấu để phát triển đồng bộ

Ngày 15.3 vừa qua Việt Nam đã mở cửa du lịch trở lại sau gần 2 năm đóng cửa. Đây được xem là tin vui trong những ngày đầu năm không chỉ cho riêng ngành du lịch mà còn mở ra cơ hội phục hồi bất động sản du lịch – phân khúc chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 kéo dài vừa qua.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam tin rằng việc mở cửa du lịch sẽ “giải cứu” bất động sản du lịch. Tin vui từ chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ đã đánh dấu sự kích hoạt trở lại của nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Du lịch phát triển sẽ tác động tích cực tới bất động sản du lịch. Sau thời gian đương đầu nhiều khó khăn, năm 2022, loại hình này sẽ từng bước phục hồi mạnh. Chiến lược phát triển du lịch quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng để phân khúc trên tăng trưởng trong tương lai.

  • “Chốt” lãi chứng khoán, nhà đầu tư “trú ẩn” vào bất động sản trước nỗi lo lạm phát

Nếu các cơn sốt đất ở chu kỳ trước đây như giai đoạn 2018-2019 chỉ cục bộ theo khu vực thì từ đầu năm 2021 cho đến hiện tại, giá bất động sản đang tăng và lan ra nhiều địa bàn trên toàn quốc. Điều này đã tạo ra một mặt bằng giá mới với nhiều khu vực đươc “xướng tên”.

Trên thực tế, bàn về hiện tượng “sốt đất”, các chuyên gia cũng đưa ra nhiều quan điểm trái chiều. Có người cho đó là xu hướng tất yếu, giá được điều chỉnh theo mặt bằng chung và sự tăng trưởng có tính bền vững chứ không rơi vào cảnh “lên bổng, xuống trầm”, đẩy đến tình trạng “bong bóng” trên thị trường bất động sản. Do đó, cơ hội đầu tư vào bất động sản vẫn còn dư địa tốt nếu chọn đúng đích.

Trên thực tế, giai đoạn này đang là thời của bất động sản vùng ven. Ngay cả những khu vực xa như Lâm Đồng cũng nhận được hiệu ứng “nóng”. Bất chấp tác động của dịch bệnh và những suy giảm về kinh tế, các chuyên gia cho rằng, giá bất động sản nhiều nơi đang tăng mạnh. Đặc biệt, bất động sản gắn liền với nhà đất đã thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư.   

  • Đánh thuế bất động sản không thể chần chừ

Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, kể từ năm 2014 đến nay, giá bất động sản liên tục giữ đà tăng, với mức tăng bình quân hàng năm trên 10%/năm, thậm chí, nhiều dự án tăng trên 20%/năm. 

Trong khi đó, một số liệu khác từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2021, giá căn hộ chung cư tăng bình quân khoảng 5–7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15–20% và giá đất nền tăng “nóng” 20–30% so với thời điểm cuối năm 2020. Cá biệt, có thời điểm đất nền tại một số địa điểm thuộc vùng ven Hà Nội như như Quốc Oai, Thạch Thất tăng 20%, Ba Vì tăng 45% hay một số điểm thuộc tỉnh Hòa Bình tăng lên đến 46%…

Trước thực trạng giá bất động sản đang tăng “chóng mặt” tại nhiều địa phương trên cả nước dẫn đến hiện tượng đầu cơ, thổi giá đất, làm nhiễu loạn thị trường… Để ngăn chặn tình trạng này, theo các chuyên gia về thuế phân tích, cần thiết phải sử dụng công cụ thuế một cách phù hợp đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đặc biệt là với những người “ôm đất”, có nhà nhưng không ở…

 

Thực tế thuế bất động sản bao gồm nhà và đất, Việt Nam đã có dự tính từ cách đây 20 năm. Mới đây nhất, Bộ Tài chính cũng có đề xuất nhưng chưa nhận được sự đồng thuận chung của dư luận xã hội.. Chính vì vậy, trước mắt, muốn thị trường bình ổn hơn, hạ nhiệt về giá thì phải giải tỏa được nguồn cung. 

Trong khi đó, nếu đánh thuế bất động sản phải đánh thuế đúng mới giảm được đầu cơ, nếu đánh không đúng thì rất khó. Trong khi đó, người dân thì có trăm phương, nghìn kế để lách luật. “Giải pháp trước mắt để gỡ khó cho thị trường hiện nay có thể làm ngay là giảm bớt thủ tục pháp lý, khơi thông nguồn cung. Nguồn cung dồi dào, đa dạng sẽ tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh”, ông Hùng cho hay.

 

  • Nhận diện xu hướng đầu tư mới của thị trường bất động sản năm 2022

2 năm sống chung với đại dịch Covid-19 đã khiến tiêu chí chọn mua nhà của người dân có nhiều thay đổi. Thay vì chọn những khu vực nội đô đắt đỏ, chật trội, đông đúc, thì nhiều người tìm đến các khu đô thị rộng lớn, không gian thoáng đãng, mật độ xây dựng thấp, có kết nối hạ tầng tốt.

Điều này đến từ sự chú trọng về sức khỏe ngày càng cao của người dân trong mùa dịch khiến họ có tâm lý muốn tránh xa những khu dân cư với mật độ dân số cao, dễ lây nhiễm virus. Thay vào đó là được sống tại nơi gần gũi với thiên nhiên, không khí trong lành, đầy đủ các tiện ích như 1 khu resort 5 sao. 

Theo RLA Global, sau đại dịch, sở thích mua nhà và tìm kiếm bất động sản xanh tích hợp tiện ích sức khỏe để hướng đến lối sống lành mạnh “Wellness” để thuê, mua, nghỉ dưỡng có xu hướng tăng cao. Đặc biệt, nhiều người xem xét và đánh giá kỹ hơn về môi trường sống xung quanh ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc người ở.

  • Sửa Luật Đất đai để phát triển thị trường bất động sản: Bài cuối: Cởi trói và tiếp thêm động lực

Theo dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại 2 kỳ họp trong năm 2022 và thông qua tại kỳ họp tháng 5/2023 của Quốc hội Khóa XV. 

Đây là một trong những Luật được cả người dân và doanh nghiệp mong đợi với kỳ vọng sẽ gỡ bỏ những nút thắt chồng chéo, khơi thông nguồn lực đất đai, giúp ổn định đời sống xã hội. Đặc biệt, việc sửa đổi Luật Đất đai sẽ giúp “cởi trói” và tiếp thêm động lực cho thị trường bất động sản.

Việc Ban chấp hành Trung ương Đảng tổng kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19/NQ-TW về “Thực trạng vi phạm pháp luật về đất đai và kiến nghị sửa đổi chính sách, pháp luật về đất đai” đã cho thấy sự cần thiết và ý nghĩa quan trọng của việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai đối với sự phát triển đất nước trong thời gian tới.